Hướng tới môi trường văn hóa lành mạnh cho giới trẻ trên không gian mạng (*)

14/07/2022 06:15 GMT+7

Công nghệ số mang đến cho người hưởng thụ văn hóa, nhất là thế hệ trẻ, nhiều tiện ích, nhưng kèm theo đó là không ít hệ lụy xấu.

Vấn đề “rác văn hóa” nếu không được dọn dẹp bằng những chế tài từ luật pháp đến ý thức hành động của người tham gia có thể sẽ làm méo mó các giá trị văn hóa đẹp đẽ của dân tộc mà cha ông ta đã bao đời bồi đắp và gìn giữ cho hôm nay và cho tương lai.

Các kênh thông tin chính thống, tích cực trên không gian mạng sẽ góp phần hình thành môi trường văn hóa lành mạnh cho giới trẻ

chụp màn hình

Văn hóa là hồn cốt dân tộc, là tấm hộ chiếu để khẳng định gương mặt, hình ảnh, bản lĩnh của một quốc gia trên đường hội nhập với thế giới. Công cuộc chấn hưng văn hóa luôn phải được bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người, trong đó nhấn mạnh là thế hệ trẻ bởi họ là những người sung sức nhất trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, hành vi của họ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hành vi văn hóa của cộng đồng.

Xây dựng và củng cố môi trường văn hóa lành mạnh cho giới trẻ

Cần xây dựng và củng cố một môi trường văn hóa lành mạnh, đây chính là “đòn bẩy” để văn hóa đại chúng phát triển theo đúng giá trị cốt lõi của nó. Muốn vậy, điều kiện tiên quyết cần có môi trường pháp lý cứng rắn hơn, tại các nền tảng mạng cũng cần có những biện pháp khắt khe hơn để người dùng được đón nhận những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với văn hóa.

Ngoài ra, đối với một môi trường đặc thù như không gian mạng, rất cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý bằng khoa học - kỹ thuật, “dùng công nghệ để quản lý công nghệ” như dùng tường lửa, phần mềm lọc thông tin, cảnh báo các ứng xử phản văn hóa, xây dựng mạng xã hội nội địa... Cũng như đối với công việc điều hành, quản lý trong cuộc đời thực, việc xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng cần được quan tâm rốt ráo ở tất cả các khâu: thể chế quản lý, nguồn lực quản lý, công cụ quản lý, biện pháp quản lý. Cùng với đó, phải tăng cường kiện toàn bộ máy quản lý, đội ngũ nhân lực quản trị mạng, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm duyệt, cấp phép, thanh tra... Cần có các chế tài đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho giới trẻ, để cái tốt sẽ được bảo vệ, nhân lên; cái ác, cái xấu sẽ bị bài trừ, lên án. Đổi mới giáo dục ở mọi cấp học, trong đó nhấn mạnh vào các môn học về đạo đức, nghệ thuật và sáng tạo. Từ những kiến thức, kỹ năng được học trong nhà trường, những giá trị văn hóa sẽ lan tỏa toàn xã hội.

Rèn luyện, nâng cao tư tưởng, quan điểm, lối sống văn hóa cho thanh niên trong lịch sử cũng như hiện nay, đặc biệt trước tác động trong kỷ nguyên số là hướng đến mục đích: bảo đảm được tính dân tộc, giữ gìn “bản sắc dân tộc” một cách vững chắc. Việt Nam là một điển hình trong lịch sử nhân loại về bảo vệ, giữ gìn bản sắc, tính chất dân tộc của nền văn hóa. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mang sắc thái văn hóa độc đáo, như tinh thần yêu nước; đại đoàn kết toàn dân tộc; nhân đạo, nhân văn; yêu hòa bình...

Đẩy mạnh các kênh định hướng tư tưởng tại địa phương, tham gia tương tác thường xuyên với ứng dụng “Thanh niên Việt Nam”. Góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng trong kỷ nguyên số hóa.

Hình thành và phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý, làm chủ thông tin và các công cụ, phương tiện kỹ thuật trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trên không gian mạng; chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin “xấu”, “độc”, tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tuyên truyền môi trường văn hóa lành mạnh

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng an toàn, hiệu quả; giám sát, bảo vệ, ngăn chặn, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; triển khai tổ chức hiệu quả các cuộc vận động trên không gian mạng; xây dựng, nâng cấp, vận hành, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các kênh thông tin trên không gian mạng; xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng. Thành lập các tổ chức Đoàn, Hội, các cuộc thi trên không gian mạng, tổ chức các cuộc thi sáng tạo trên không gian mạng giúp cho giới trẻ được trải nghiệm về tư tưởng văn hóa dân tộc, đẩy mạnh các cuộc thi tìm kiếm về nét đẹp văn hóa Việt Nam về mọi mặt...

Cùng với đó là tổ chức hiệu quả các hoạt động sử dụng không gian mạng để thu hút, tập hợp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; đào tạo, bồi dưỡng, kết nối đội ngũ cán bộ, chuyên gia, trí thức trẻ thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng.

Tranh thủ cơ hội, ưu thế của cách mạng thời kỳ phát triển tiến bộ để tăng cường giáo dục ý thức tự giác của thanh niên trong quá trình tự rèn luyện đạo đức cách mạng một cách thường xuyên, liên tục. Đồng thời nâng cao ý thức về bản lĩnh, lòng tự trọng của tuổi trẻ khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng; kết hợp giữa kỹ năng tự bảo vệ và ý thức trách nhiệm trước tập thể, cộng đồng khi tham gia không gian mạng để không chỉ cập nhật, sử dụng thông tin đúng, chính xác mà còn đảm bảo phản ánh đúng sự thật khách quan, có chọn lọc, kiểm định, kiểm soát chặt chẽ thông tin của mình.

Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền định kỳ gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thế hệ trẻ. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống về tình hình trong nước và thế giới cho thanh niên. Chú trọng tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu, thông tin sai trái; tăng sức đề kháng cho thế hệ trẻ trước sự chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, nhất là các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Chú trọng khai thác, đẩy mạnh sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại, thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là internet trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi.

Để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng, cùng với quá trình “chống”, chúng ta phải tích cực “xây”. Rất cần khuyến khích các văn nghệ sĩ lưu hành rộng rãi trên mạng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao, có sức lan tỏa, hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ. Khi chúng ta nỗ lực chăm sóc, vun trồng càng nhiều hoa đẹp, thì cỏ dại sẽ càng ít có cơ hội lan rộng. Có các hình thức phù hợp khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc để dần dần loại bỏ những đánh giá tiêu cực của các tổ chức quốc tế về ứng xử thiếu văn minh trên mạng của người Việt Nam. Đối với những hành xử vô văn hóa, những biểu hiện “lệch chuẩn”, rất cần có sự phản biện tích cực của dư luận xã hội, đề cao vai trò của người đứng đầu, quản trị viên các diễn đàn, website, fanclub… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, giáo dục cách thức tự bảo vệ trên không gian mạng cho giới trẻ, nhất là trẻ em.

(*) Trích tham luận tại hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.