Trước sự đe dọa, tấn công của ma túy và các tệ nạn xã hội khác, một số bản làng ở vùng rẻo cao Nghệ An đã dùng hương ước như một “bộ luật” để rào chắn, bảo vệ bản làng. Những bản hương ước ấy đã tạo lập được một nếp sống lành mạnh, văn minh giữa núi rừng.
Đi tìm miền đất mới
Buổi sáng, con đường bê tông dài chừng 3 km từ QL7 vòng vèo dưới những tán cây rừng vào bản Lưu Thông (xã Lưu Kiền, H.Tương Dương, Nghệ An) trông thật đẹp. Những mái nhà thâm thấp của người Mông nằm bình yên bên thung lũng. Bốn phía núi rừng trùng điệp bao vây. Già làng Vừ Tồng Mà định vào rừng, nhưng thấy có khách đến nên hoãn lại.
63 tuổi, ông Mà vẫn rất rắn rỏi, khỏe mạnh, nói cười sang sảng. Năm 1989, ông Mà là Xã đội trưởng xã Tây Sơn (H.Kỳ Sơn, Nghệ An). Cuộc sống khó khăn nên ông quyết định đi tìm vùng đất mới. Một buổi sáng, ông giắt con dao đi rừng vào lưng rồi vượt hơn 50 km, tìm đến vùng đất Lưu Kiền (H.Tương Dương). “Đến đây, đất đai nhiều, cách QL7 chỉ chừng 5 km nên tôi thấy phù hợp để lập bản”, ông Mà kể.
Ông Mà trở về, bàn với người thân và một số người hàng xóm đến định cư ở vùng đất ông mới khám phá. Họ đồng ý. Ông lên xã, lên huyện nộp đơn xin được di dân, huyện đồng ý. 5 hộ gồm gia đình ông, gia đình người anh trai, cùng 3 gia đình hàng xóm quyết định kéo đến đây sinh sống. Họ dựng nhà trên lưng núi theo cách truyền thống của người Mông rồi phát rẫy làm nương, tìm kế sinh nhai.
Hơn 1 năm sau, ông Mà quyết định dời nhà xuống núi, quy tụ các gia đình sống gần nhau để cưu mang nhau. Ông bảo, trước đây, người Mông có truyền thống trồng cây thuốc phiện nên thường chọn sườn núi cao để làm nhà ở, khí hậu trên cao lạnh, phù hợp với loại cây này. “Giờ ta không trồng thuốc phiện, ở trên núi cao làm gì, đi lại khó khăn, muốn tương trợ nhau cũng khó”, ông nói với dân bản.
Mọi người nghe theo ông. Vùng đất được chọn để lập bản cách xa chỗ ban đầu chừng vài cây số. Đây là một thung lũng khá đẹp. Nhờ cần cù lao động, cuộc sống ở nơi đây sớm bén rễ. Nhiều gia đình khác ở xã Tây Sơn cũng tìm đến để sinh sống và vài năm sau, bản mới đã có hơn 30 nóc nhà. Phải xây dựng một bản làng văn minh - ông Mà nghĩ. Rồi ông tổ chức họp bản, lập hương ước như một “bộ luật” để cả bản làng cùng thực hiện.
|
“Bộ luật” của bản
Bản hương ước ban đầu của bản Lưu Thông là những quy định không phá rừng, không được thả rông trâu bò để bảo vệ hoa màu và vệ sinh môi trường. Ông Mà viết hương ước, quy định trong vòng bán kính 1 km từ nhà ở của dân bản, không ai được chặt phá rừng. Đây là vành đai bảo vệ môi trường cho dân bản. Ngoài 1 km trở ra là khu vực được sử dụng để phát nương, làm rẫy. Bên ngoài khu vực nương rẫy là vòng 3 cũng không được phá rừng. Ai cần gỗ để làm nhà ở, phải xin phép ban quản lý bản mới được chặt gỗ, tuyệt đối không được bán gỗ ra ngoài bản. Trâu bò phải chăn dắt, nuôi nhốt, không được thả rông. Ai nuôi trâu bò phải trồng cỏ voi làm thức ăn cho chúng để chúng nhanh lớn. Người dân trong bản không được trộm cắp của người khác, nếu lỡ lấy trộm dù một quả chuối trên nương, cũng phải đến nhà chủ cây để xin tha thứ.
Những quy định này được ông Mà viết trên cuốn vở rồi đọc cho những người lớn tuổi trong bản nghe, họ ủng hộ và quyết định đưa ra cộng đồng. “Khi chúng tôi thông qua dân, dân bản đều ủng hộ. Lúc đó tôi nghĩ ý tưởng của tôi đã thành công”, ông Mà kể.
|
Ông Mà được bầu làm trưởng bản. Một hôm, ông Mà đi ra huyện có việc, nghe cán bộ huyện cảnh báo hiểm họa ma túy đang tràn về bản làng. Nhiều người đã nghiện ma túy, đi buôn ma túy bị bắt bỏ tù. Ông Mà trở về, bàn với những người trong bản phải bổ sung vào hương ước để chống nạn ma túy, bảo vệ dân bản.
Hương ước từ đó có thêm điều cấm: cấm buôn bán, nghiện ma túy, trồng cây thuốc phiện. Mỗi gia đình là một công an, nếu phát hiện ai mang ma túy vào bản phải báo cáo ngay cho trưởng bản. “Trong bản lúc đó có 3 cụ già nghiện hút thuốc phiện từ trên quê cũ xuống ở với con cháu, trong đó có bố tôi. Từ khi bổ sung quy định không được nghiện thuốc phiện vào hương ước, các cụ đã tự cai và sau đó đều cai được”, ông Mà hào hứng kể.
Ông Vang Kiên Cường, Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền, nói hương ước và tấm gương thủ lĩnh của ông Vừ Tồng Mà như tấm khiên che chắn cho người dân ở bản này trước các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy. Đây là bản điển hình hiếm thấy trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
|
Năm 2001, có 7 gia đình trong bản định di cư sang Lào, ông Mà biết được, đến từng nhà ngăn đừng đi. “Bọn người xấu nó lừa đó. Ở các xã trên H.Kỳ Sơn đã có nhiều người sang rồi cũng phải bỏ về. Bọn xấu lừa sang để buôn ma túy!”, ông Mà giải thích. 7 gia đình này nghe lời ông Mà, không đi nữa. Ông nói, lúc đó mà họ đi, khi quay về sẽ rất nguy hiểm vì có thể đã dính vào ma túy.
Cuộc sống ở núi rừng, biết cái chữ được coi là đã đủ nên ít ai theo học đến cùng. Ông Mà bổ sung vào hương ước quy định mới: không được để con cái bỏ học giữa chừng, nữ ít nhất phải học hết lớp 9, nam phải hết lớp 12. Dân bản ủng hộ ông.
|
Rũ bỏ hủ tục
Ở quê cũ, ông Mà bị ám ảnh bởi tục lệ thách cưới của nhà gái. Có người thách cưới quá nhiều khiến nhà trai không thể đáp ứng được, phải vay mượn khắp nơi. Ông Mà bổ sung vào hương ước: bỏ tục thách cưới. Đám tang theo tục cũ cũng rườm rà không kém. Người chết phải để 3 - 4 ngày trong nhà, không được nhập liệm vào quan tài cho đến khi mang thi hài người chết ra đến nghĩa địa mới nhập liệm và chôn cất. Trong mấy ngày đó, người nhà phải mổ trâu, mổ lợn đãi khách đến chia buồn. “Đó là hủ tục phải bỏ. Tôi đưa vào hương ước, trong vòng 2 ngày phải chôn cất, không tổ chức ăn uống, mọi người ủng hộ liền”, ông Mà kể.
30 năm sau ngày lập bản, Lưu Thông hiện có 58 nóc nhà với gần 300 người. Bản hương ước từ mấy trang giấy ban đầu nay đã dày hơn. Trưởng bản Vừ Giồng Nênh tỏ ra tiếc nuối khi cuốn hương ước bị thất lạc từ năm ngoái đến nay vẫn chưa tìm thấy. Già làng Vừ Tồng Mà bảo, ông và dân bản đã thuộc làu nó, ông sẽ viết lại mang đi đánh máy để lưu giữ. Còn ông Nênh thì tự hào, nhờ cái hương ước ấy, trong bản 30 năm nay không ai dính đến ma túy, không ai phá rừng, không ai trộm cắp của ai. Có 10 con em của bản giờ đã thành cán bộ, giáo viên, công an chính quy. Hương ước quy định, ai vi phạm sẽ bị đưa ra cộng đồng kiểm điểm, tái phạm sẽ bị phạt tiền, nhưng 30 năm qua, có rất ít người vi phạm.
Trong bản, mọi ngõ ngách đều sạch sẽ, không có trâu bò phóng uế bừa bãi. Bản có 58 nóc nhà thì có 48 nhà đã có nhà vệ sinh tự hoại. Đến Tết Nguyên đán, con em của bản đi ra bắc, vào nam học hành, làm ăn, ngày mồng 1 tết đều về tụ họp tại hội quán của bản để gặp mặt, báo cáo tình hình năm qua, ai lỡ làm điều gì không phải thì tự kiểm điểm, hứa không tái phạm. “Có hai vợ chồng người của bản vào nam làm công nhân cao su, tết vừa rồi, công ty gửi thư cảm ơn bản vì có 2 công dân rất gương mẫu”, ông Mà kể.
(còn tiếp)
Bình luận (0)