Xe chè qua bốn thế hệ với tên gọi bình dị mà thân thuộc: "chè nhà đèn" |
Xe chè cũ kỹ này nằm lọt thỏm trong khoảng sân nhỏ chưa đến 10 mét vuông trước một trạm biến áp trên đường Trần Hưng Đạo B, đoạn vừa qua ngã tư với Châu Văn Liêm và gần chợ vải Soái Kinh Lâm. Quán có tên là Châu Giang, tuy nhiên cư dân xung quanh vẫn quen gọi bằng cái tên rất bình dị mà thân thuộc là "chè nhà đèn".
Thế hệ thứ tư tiếp quản quán chè này là chị Lý Thanh Hà và 2 người em gái. Chị Hà là cháu gọi người tạo ra hàng chè này từ những năm 30 thế kỷ trước là cụ cố.
Qua lời kể của mẹ và bà ngoại chị Hà, thì thời chiến tranh loạn lạc vào những năm 30 thế kỷ trước, bà cố của chị là bà Phùng Hạnh Phan, người Trung Quốc gốc Quảng Đông, đã di cư sang Việt Nam lánh nạn. Bà Phan nhận một bé gái mới vài tháng tuổi làm con nuôi, đặt tên là Lý Ái Quỳnh. Sau nhiều lần đắn đo, bà quyết định ẵm con sang Việt Nam lánh nạn.
Không tiền, không nghề nghiệp, bà Phan lặn lội đến Hà Nội rồi Hải Phòng bằng đường bộ, làm đủ mọi nghề để sinh nhai. Rồi bà cùng một vài người bạn quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp.
Thời gian đầu vào Sài Gòn, cuộc sống quá khó khăn, lại không có vốn liếng gì nhiều nên bà Phan phải đi làm đủ các nghề để kiếm sống. Rồi năm 1938, với chút tiền ít ỏi dành dụm được, bà Phan nấu đại một nồi chè đậu xanh ngồi ở góc đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm) - Nguyễn Trãi để bán cho bà con trong khu phố. Món chè nấu theo kiểu của người mẹ quá cố của bà Phan từng dạy nhanh chóng được mọi người gần xa ưa thích và tìm đến. Nhờ vậy mà từ một nồi chè bán gánh, bà Phan đã có tiền sắm một xe chè và đặt tên là Châu Giang, dựa theo tên một quán chè nổi tiếng thời đó ở Trung Quốc. Thực đơn chè cũng nhờ vậy mà tăng lên rất nhiều. Xe chè đặt trong khoảng sân nhỏ trước trạm biến áp nên cư dân cư xung quanh vẫn quen gọi là "chè nhà đèn".
Khi bà Phan qua đời, con gái nuôi của bà nối nghiệp mẹ bán chè trước trạm biến áp này. Thấm thoát mà xe chè đã tồn tại hơn 70 năm. Trải qua bao thăng trầm, đến nay thực đơn của quán đã lên đến hơn 20 loại chè mang đậm bản sắc Trung Hoa.
|
Món đặc trưng và độc đáo nhất của quán là chè bột củ năng hột gà. Với thành phần đơn giản là bột củ năng và hột gà sống hòa quyện cùng nhau là đã có thể tạo nên một chén chè "bát bổ, thanh nhiệt". Cái thú vị của món chè này nằm ở chỗ phải ước lượng bột sao cho thật chuẩn, và người bán phải khuấy thật đều tay, nếu không trứng gà sẽ chín mà lòng đỏ không kịp hòa lẫn với bột củ năng. Món này cũng đặc biệt ở chỗ, không thể làm trước mà khách gọi thì mới làm tại chỗ.
Món sâm bổ lượng ở đây ăn trong chén chứ không phải trong ly như các quán chè Hoa khác. Đây có lẽ là món chè "tổng hợp" nhất khi có đến hơn 10 món trong thành phần: hạt sen, bo bo, nhãn nhục, phổ tai, củ năng, củ sen, đậu xanh... Nếu muốn đơn giản hơn, bạn có thể gọi đu đủ tiềm, quy linh cao, hay chè hạnh nhân, rất mát và đẹp da.
“Đối với một số món hơi đặc biệt, khi khách gọi thì tôi phải hỏi xem họ đã ăn bao giờ chưa. Nếu chưa tôi sẽ giới thiệu một món khác thay thế, vì phải là khách quen hoặc đã từng ăn thì mới thấy ngon được”, chị Hà nói.
Chị Hà cũng chia sẻ, có nhiều khách Việt kiều về thăm lại quê hương, đã ăn chè ở đây và rất thích, ngỏ ý xin được truyền lại bí quyết nấu các món chè để bán ở Mỹ, Pháp... nhưng vì đây là nghề tổ nghiệp, dù cho khách có trả giá cao đến mấy gia đình cũng kiên quyết giữ gìn bí quyết gia truyền, chỉ giữ cho người trong dòng họ.
Do đông khách quá mà diện tích lại có hạn nên cách đây hơn 2 năm gia đình chị Hà có mở thêm một chi nhánh khang trang hơn cách đó vài căn. Tuy nhiên phần lớn thực khách vẫn thích ngồi ở chỗ cũ. Tuy có hơi ẩm thấp, chật chội, nhưng qua ánh đèn đường ấm áp ở một góc phố sầm uất, dường như người ta có dịp nhìn thấy hình ảnh của một góc Sài Gòn xưa.
P.V
Chè Nhà đèn
Trạm biến áp trên đường Trần Hưng Đạo B (đoạn vừa qua ngã tư với Châu Văn Liêm và gần chợ vải Soái Kinh Lâm), phường 14, quận 05
Mở cửa: 4h chiều đến 12h tối
Giá: Bột củ năng hột gà (16.000đ/chén), sâm bổ lượng (16.000đ/chén), đu đủ tiềm (13.000đ/thố)
Bình luận (0)