'Hữu hảo' Mỹ - Trung trước ngày Nhà Trắng đổi chủ

01/09/2024 05:29 GMT+7

Chuyến công du của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đến Trung Quốc tuy không có nhiều kết quả tích cực, nhưng có ý nghĩa không nhỏ trong việc duy trì kênh đối thoại khi Nhà Trắng sắp đổi chủ.

Những ngày cuối tháng 8, Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan đã có chuyến công du 3 ngày đến Bắc Kinh. Trong đó, không chỉ hội đàm với ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại T.Ư đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Sullivan còn gặp Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Thời điểm nguy hiểm ?

Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Tập Cận Bình phát biểu trong cuộc gặp nhấn mạnh rằng trong thế giới đầy biến động này, các quốc gia cần đoàn kết và phối hợp, chứ không phải chia rẽ hay đối đầu. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, mọi người muốn sự cởi mở và tiến bộ chứ không phải loại trừ hay thụt lùi. Với tư cách là hai nước lớn, Trung Quốc và Mỹ phải có trách nhiệm với lịch sử, nhân dân và thế giới, phải là nguồn ổn định cho hòa bình thế giới và là động lực cho sự phát triển chung.

Còn theo thông cáo của Nhà Trắng, trong cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về việc thực hiện thêm các cam kết mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra khi gặp nhau tại San Francisco (Mỹ) vào tháng 11.2023, đồng thời trao đổi nhiều vấn đề như phòng chống ma túy, kênh liên lạc quân sự hai bên, an toàn và rủi ro liên quan trí tuệ nhân tạo (AI). Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề quanh eo biển Đài Loan, xung đột Ukraine và Biển Đông. Hai bên hoan nghênh những nỗ lực đang diễn ra nhằm duy trì các đường dây liên lạc cởi mở.

Trả lời Thanh Niên ngày 31.8, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định có 3 lý do để Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan công du Bắc Kinh.

'Hữu hảo' Mỹ - Trung trước ngày Nhà Trắng đổi chủ- Ảnh 1.

Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh ngày 29.8

ẢNH: AFP

Đầu tiên và quan trọng nhất, đây là thời điểm nguy hiểm đối với Washington. Mỹ đang tiêu tốn nguồn lực để hỗ trợ Ukraine và Israel, trong khi Mỹ cũng đang phải tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống. Vì thế, Nhà Trắng có thể lo ngại không thể chia sẻ đủ nguồn lực để giải quyết tình hình ở một nơi khác trên thế giới, nên cần phòng ngừa rủi ro có thể xảy đến từ Trung Quốc. Thời gian qua, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động trong khu vực. Cụ thể, Trung Quốc và Philippines liên tục căng thẳng ở Biển Đông gần đây. Tương tự cũng xảy ra ở biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, nếu Bắc Kinh có ý định tiến hành các hoạt động quân sự nhằm Đài Bắc thì sẽ là thách thức nghiêm trọng cho Washington. Vì thế, Washington muốn đánh giá rủi ro đó và việc giao tiếp là một cách để đánh giá.

Thứ ba, Trung Quốc đang tham gia hòa đàm giữa Nga và Ukraine. Nhiều bên khác cũng đang muốn đóng vai trò trong hòa đàm giải quyết xung đột Ukraine. Như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gần đây đã đến thăm cả Moscow lẫn Kyiv. Ukraine đã tấn công Nga và chiếm một số lãnh thổ để có thêm "lá bài" đàm phán. Do đó, chính quyền của Tổng thống Biden cần đánh giá khả năng về vấn đề này.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định cam kết phát triển quan hệ với Mỹ

Bắc Kinh chuyển hướng tiếp cận

Cũng trả lời Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) phân tích: "Chúng ta thấy 2 xu hướng khi nói đến cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Thứ nhất, chính quyền Biden đã áp dụng cách tiếp cận tuần tự, có hệ thống và ưu tiên đồng minh để xác định cạnh tranh với Bắc Kinh. Thứ hai, chúng ta thấy chính quyền của Tổng thống Biden cố gắng xây dựng các đường dây liên lạc để cố gắng giữ ổn định và có thể kiểm soát mối quan hệ. Bắc Kinh không muốn cả hai".

Theo GS Nagy, trong trường hợp đầu tiên, Bắc Kinh dường như không thể chấp nhận mô hình vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Trong trường hợp thứ hai, Bắc Kinh cho rằng tại sao phải nói chuyện với ai đó nếu điều đó không thay đổi động lực cơ bản của mối quan hệ.

"Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh thời gian qua có vẻ không còn như họ trước đây khi tiếp cận chính sách đối ngoại và đối nội. Giống như mô hình 1 quốc gia 2 chế độ, Bắc Kinh từng tiếp nhận những khái niệm có vẻ không tương thích và họ đã tìm ra cách để chúng cùng tồn tại", GS Nagy đánh giá.

"Nhưng giờ đây, Bắc Kinh dường như đang thay đổi khi tỏ ra có thể chấp nhận điều đó, khi có động thái nỗ lực ổn định quan hệ song phương với Washington càng nhiều càng tốt trước khi một nhà lãnh đạo mới bước vào Nhà Trắng", vị chuyên gia phân tích thêm và nhận định: "Có nhiều lý do để giải thích cho sự thay đổi đó của Bắc Kinh. Nổi bật là nguyên nhân nền kinh tế đang trì trệ và áp lực ngày càng tăng từ Mỹ cùng đồng minh. Một nguyên nhân khác là Trung Quốc đang đối mặt những thách thức nhất định từ trong nước. Bắc Kinh cũng không muốn tỏ ra hung hăng hoặc không muốn đàm phán trước khi Nhà Trắng đổi chủ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.