Huy động nhiều nguồn lực đầu tư chuyển huyện thành quận

23/04/2022 05:45 GMT+7

Sở QH-KT TP.HCM gửi Sở Nội vụ dự thảo đề cương đề án nhánh hạ tầng đô thị thuộc đề án đầu tư - xây dựng, chuyển các huyện thành quận, hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM.

Ngày 22.4, Sở QH-KT TP.HCM đã gửi Sở Nội vụ dự thảo đề cương đề án nhánh hạ tầng đô thị thuộc đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận, hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM.

Theo Sở QH-KT, dự thảo đề cương đã nghiên cứu, tham khảo nhiều mô hình phát triển đô thị và kinh nghiệm quốc tế về quản lý mở rộng và phát triển khu vực ven đô của các đô thị lớn trên thế giới. Đây là nền tảng để các huyện triển khai các bước đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cấp lên quận, phù hợp với định hướng phát triển của toàn vùng TP.HCM.

Tuy nhiên, việc chuyển 5 huyện thành quận đòi hỏi nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách thành phố đang gặp khó khăn nên để xây dựng mô hình khả thi, có tính thực tế đòi hỏi cần thời gian tập trung nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp đột phá, sáng tạo.

H.Nhà Bè (TP.HCM) đặt mục tiêu lên quận vào năm 2025

Ngọc Dương

Dự thảo đề cương cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó các địa phương cần tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết; đồng thời tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại, du lịch.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần cơ chế khuyến khích để huy động mạnh mẽ các nguồn lực của người dân, doanh nghiệp từ các địa phương khác và vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao.

Đặt mục tiêu lên quận vào năm 2025 theo hướng đô thị bền vững, UBND H.Nhà Bè cho hay địa phương sẽ tập trung đầu tư để đạt 6 tiêu chí, trong đó bao gồm thu nhập bình quân đầu người, cơ sở y tế, công trình thể dục thể thao, mật độ giao thông, đất cây xanh công cộng…

Tương tự, H.Bình Chánh chọn lên thành phố trực thuộc TP.HCM vì một số xã có diện tích lớn đất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Từ nay đến năm 2025, huyện này sẽ tập trung thực hiện đạt tiêu chí phường đối với 11/16 xã, thị trấn.

Góp ý cho đề án nhánh hạ tầng đô thị, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM Võ Kim Cương nhìn nhận, các huyện ngoại thành đã và đang đô thị hóa quá nhanh, nên yêu cầu bức thiết hiện nay là nâng cao năng lực quản lý nhà nước ở các huyện. Thực tiễn đặt ra yêu cầu các huyện ngoại thành của TP.HCM phải có năng lực cao hơn các huyện nông thôn ở các tỉnh khác.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng phát triển các huyện thành quận phải gắn liền với hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là giao thông. Các khu công nghiệp nên quy hoạch tại các vị trí cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh để thuận lợi trong quá trình vận chuyển, giao thương, tránh tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thành. Khi chuyển thành đô thị, diện tích đất nông nghiệp bị giảm nhưng để đảm bảo an sinh xã hội, cần tăng các khu nông nghiệp công nghệ cao để gia tăng giá trị đất nông nghiệp.

Kiến trúc sư này cũng khuyến nghị định hướng phát triển đô thị cần phù hợp với điều kiện của từng địa phương, như H.Cần Giờ thì phát triển du lịch sinh thái, còn H.Bình Chánh thì phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao…

Trong khi đó, Sở TN-MT TP.HCM cho rằng các cá nhân, tổ chức phải tuân thủ đồng thời quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị. Đồng thời, cần có cơ chế đảm bảo thống nhất, nâng cao hiệu quả công tác dự báo các loại đất đô thị trong tương lai gần cần sát với thực tiễn, tích hợp vào quy hoạch chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.