Hy vọng cạn dần với Tổng thống Trump

Bảo Vinh
Bảo Vinh
22/11/2020 06:29 GMT+7

Nỗ lực, mà truyền thông Mỹ cho là Tổng thống Donald Trump đang thực hiện để đảo ngược kết quả bầu cử tại nhiều bang, đang không mang lại hiệu quả.

Kế hoạch giờ chót của Tổng thống Trump nhằm tác động đến nghị viện nhiều bang để xoay chuyển thế cuộc đang không cho thấy kết quả khả quan.

Nỗ lực khó thành

Theo AP, Tổng thống Trump đang thuyết phục lãnh đạo nghị viện các bang chiến địa do đảng Cộng hòa kiểm soát như Michigan bỏ qua kết quả bầu cử và chỉ định đại cử tri để tuyên bố ông thắng. Dẫn chứng là việc Tổng thống Trump ngày 20.11 mời lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện bang Georgia, ông Mike Shirkey và ông Lee Chatfield đến Nhà Trắng để bàn bạc.

Sau khi gặp Tổng thống Trump, nghị sĩ bang Michigan nói không có thông tin để thay đổi kết quả bầu cử

Tuy nhiên, sau cuộc họp, ông Shirkey và ông Chatfield ra tuyên bố chung cho biết “chưa thấy thông tin nào có thể thay đổi kết quả bầu cử tại Michigan” và khẳng định sẽ tuân thủ tiến trình bầu cử.
“Những cáo buộc về hành vi gian lận nên được xem xét, điều tra kỹ càng và nếu được chứng minh, cần phải xét xử theo luật. Ứng viên giành nhiều phiếu bầu nhất là người thắng cử và nhận phiếu đại cử tri”, hai quan chức đảng Cộng hòa nói.
CNN dẫn nguồn thạo tin tiết lộ cuộc gặp diễn ra thân mật và hai quan chức đảng Cộng hòa chỉ giải thích cho Tổng thống Trump về quá trình xác nhận kết quả bầu cử cũng như việc chọn đại cử tri. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump không gây sức ép để các nghị viên tác động đến việc chọn đại cử tri hay ngăn cản xác nhận kết quả bầu cử.
Bất chấp kết quả nói trên, Tổng thống Trump được cho là đang mời quan chức lập pháp nghị viện bang Pennsylvania đến Nhà Trắng để thảo luận trong bối cảnh ngày 23.11 là hạn chót để bang này xác nhận kết quả bầu cử.
Giới chuyên gia pháp lý cho rằng đây là điều chưa có tiền lệ và đi ngược lại với tiếng nói của cử tri. Nhiều người cảnh báo việc tổng thống đương nhiệm tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử công bằng có thể gây mất niềm tin vào nền dân chủ và làm giảm tính hợp pháp của người thắng cử, theo tờ The Guardian.
Chuyên gia luật bầu cử Rick Hasen tại Đại học California (Mỹ) so sánh hành động này như một “mưu toan lật đổ” và sẽ gây ra bất ổn trên đường phố. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, người để thua ông Trump năm 2016, ngày 20.11 viết trên Twitter: “Bảo vệ cái tôi của một người là không đáng với việc gây tổn hại đến tính chính thống của nền dân chủ”.

Đảng Cộng hòa chia rẽ

Trong khi đó, ngày càng có nhiều quan chức trong đảng Cộng hòa lên tiếng chống lại Tổng thống Trump. Như thượng nghị sĩ Mitt Romney mới đây nói thật khó tưởng tượng được hành động nào phi dân chủ hơn của một tổng thống Mỹ đương nhiệm khi gây sức ép lên quan chức địa phương để đảo ngược kết quả bầu cử, sau khi không chứng minh được các thuyết âm mưu gian lận trước tòa án.
Thượng nghị sĩ Susan Collins thì nhận định về mặt đúng và mặt sai của việc tổng thống khiếu nại bất thường trong bầu cử. Mặt đúng là nhà lãnh đạo phải chứng minh bằng chứng trước tòa, nhưng mặt sai là khi tổng thống gây sức ép lên quan chức bầu cử bang.

Bang Georgia chính thức trao chiến thắng cho ông Biden dù Tổng thống Trump cáo buộc gian lận bầu cử

Một số nghị sĩ khác cũng đã bày tỏ quan điểm nhưng theo tờ The New York Times, những người này nếu không phải là sắp nghỉ hưu, thì cũng là những người đã chắc ghế và không phải tranh cử trong tương lai gần. Trong khi đó, những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn khác trong đảng Cộng hòa vẫn giữ im lặng nhằm tránh gây mâu thuẫn với Tổng thống Trump và những người ủng hộ đông đảo của ông. Bên cạnh đó, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng lo ngại những mâu thuẫn sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử 2 ghế thượng nghị sĩ tại bang Georgia vào tháng 1.2021, kết quả quyết định đảng nào sẽ kiểm soát Thượng viện.
Bang Georgia xác nhận kết quả bầu cử
Thống đốc Brian Kemp của bang Georgia hôm qua xác nhận kết quả bầu cử sau khi hoàn tất việc đếm lại thủ công và kiểm tra phiếu bầu. Theo đó, Tổng thống Trump giành thêm 888 phiếu nhưng vẫn thua ông Joe Biden 12.670 phiếu, theo Fox News. Ông Kemp nói rằng việc xác nhận kết quả có thể khiến Tổng thống Trump phật lòng nhưng đây là trách nhiệm của lãnh đạo bang, đồng thời cho biết đến ngày 24.11, Tổng thống Trump vẫn còn quyền yêu cầu đếm lại một lần nữa vì chênh lệch dưới 0,5 điểm phần trăm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.