Xóa "nút thắt cổ chai" tại đoạn Quốc lộ 13
Là tuyến đường cửa ngõ với 6 làn xe thế nhưng vào khung giờ cao điểm hoặc những ngày lễ tết, Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu (TP.HCM) đến ranh tỉnh Bình Dương, vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người vì ùn tắc giao thông.
Hy vọng thoát ám ảnh kẹt xe nhờ dự án mở rộng đường cửa ngõ TP.HCM
Tuyến quốc lộ dài khoảng 6 km này đã được lên kế hoạch mở rộng từ lâu, tuy nhiên sau hơn 22 năm điều chỉnh thì vẫn chưa thể khởi công.
Mới đây, UBND TP.HCM đã lên kế hoạch triển khai thực hiện dự án mở rộng đường, xây cầu nhằm xóa "nút thắt cổ chai" thường xuyên kẹt xe tại đoạn quốc lộ này. Đây là công trình có tổng mức đầu ước tính hơn 13.800 tỉ đồng.
Là tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM và tỉnh Bình Dương, đi các tỉnh Tây nguyên, đoạn đường gần 6 km từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương sẽ được mở rộng lên 53 - 60 mét.
Đường Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh) cũng "xếp hàng" chờ mở rộng
Cùng với việc mở rộng Quốc lộ 13, cửa ngõ phía đông TP.HCM cũng chuẩn bị được triển khai thêm hai công trình là mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao ngã năm Đài liệt sĩ. Cứ vào giờ cao điểm sáng và chiều, hàng ngàn phương tiện nối đuôi di chuyển chậm chạp, biến con đường thành một "rừng người" nhích từng chút trong khói bụi.
Đây cũng là hai dự án nằm trong cụm công trình khơi thông cửa ngõ phía đông, "xếp hàng" cùng Quốc lộ 13 chờ hơn 2 thập niên qua do vướng bài toán tài chính.
Sẽ có một bức tranh giao thông TP.HCM rất khác?
Theo thông tin từ Sở GTVT TP.HCM, Nghị quyết 98 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho phép TP.HCM được áp dụng phương án trả chậm bằng ngân sách, thay vì thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất như trước. Hai dự án Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao ngã năm Đài liệt sĩ nằm trong nhóm ưu tiên triển khai theo hình thức BT (Xây dựng – Chuyển giao).
Đây là 3 trong số 12 dự án nhằm khơi thông các cửa ngõ đang được TP.HCM lên kế hoạch triển khai. Ngoài các dự án ở cửa ngõ phía đông thì còn có các dự án ở phía Tây và phía Nam. Các dự án được triển khai theo hình thức BT và BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao).
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, tất cả các dự án chiến lược đang được gấp rút triển khai và chắc chắn sẽ xây dựng, hoàn thành trong vài năm tới. Khi đó, không gian đô thị, không gian hạ tầng được mở rộng, người dân sẽ thấy rõ một bức tranh giao thông TP.HCM rất khác.
Bình luận (0)