Ì ạch trùng tu đền Hổ Bái

01/03/2021 06:51 GMT+7

Di tích lịch sử cấp quốc gia đền Hổ Bái đã được hạ giải để trùng tu, tôn tạo nhưng chỉ mới xây dựng được chân móng dù đã quá thời hạn hoàn thành công trình gần 1 năm.

Từ 9 tháng thành hơn 2 năm vẫn chưa xong

Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan có thẩm quyền cho phép trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền Hổ Bái (ở làng Hổ Bái, xã Yên Bái - nay là xã Yên Trường, H.Yên Định) đã xuống cấp. Sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định, tháng 7.2019, UBND xã Yên Bái (đơn vị đại diện cho chủ đầu tư là UBND H.Yên Định) ký hợp đồng xây dựng với Công ty TNHH tu bổ di tích và xây dựng công trình văn hóa Thanh Hóa (có địa chỉ tại TP.Thanh Hóa) để trùng tu, tôn tạo đền theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đền Hổ Bái được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 12.8.1993. Theo sách địa chí xã Yên Bái và thần phả làng Hổ Bái, đền thờ thần Lạc hầu Hợp Lang - người con thứ 11 của vua Hùng thứ nhất. Lạc hầu Hợp Lang đã có công lập làng Hổ Bái nên người dân lập đền thờ tưởng nhớ công ơn của thần Hợp Lang. Đền Hổ Bái được xem là ngôi đền tồn tại lâu đời nhất ở tỉnh Thanh Hóa.
Theo hợp đồng, dự án có giá trị gần 4,7 tỉ đồng, thời gian thi công và hoàn thành trong 9 tháng, kể từ tháng 7.2019. Nhà thầu có trách nhiệm hạ giải mái ngói, mũi hài và các cấu kiện gỗ của nhà tiền đường, hậu cung, sau đó tiến hành trùng tu, tôn tạo theo thiết kế. Ngay khi ký hợp đồng, đại diện chủ đầu tư là UBND xã Yên Bái đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, đồng thời cho ứng trước số tiền 1,9 tỉ đồng để tiến hành thi công.
Nếu theo hợp đồng thì đến tháng 4.2020 công trình phải hoàn tất nhưng mãi đến cuối năm 2020, nhà thầu mới cho tiến hành hạ giải và triển khai xây dựng được chân móng rồi dừng đến nay.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, hiện trong khuôn viên di tích vẫn như một “bãi chiến trường”. Các cấu kiện bằng gỗ lim, gạch ngói được hạ giải và che chắn tạm bợ. Khu vực hậu cung đã được xây nền móng mới, nhưng ngoài ra thì chưa có bất cứ hạng mục nào được xây dựng.
“Đền Hổ Bái gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân chúng tôi bao đời nay rồi. Mỗi dịp đầu năm, dân làng chúng tôi lại tổ chức lễ hội, khách thập phương đến chiêm bái rất đông. Không hiểu sao dự án trùng tu, tôn tạo lại kéo dài như vậy, các cấu kiện hạ giải xuống chất đống để đó nhiều tháng nay mà không thấy phục dựng? Nếu cứ để như thế, sợ rằng di tích sẽ bị hư hại, không giữ được kiến trúc, nghệ thuật như trước vì ảnh hưởng của thời tiết”, một người dân làng Hổ Bái sốt ruột bày tỏ.
Một người dân khác ở xã Yên Trường bức xúc: “Mấy năm trước, chính quyền vận động bà con ủng hộ tiền để trùng tu, tôn tạo, chúng tôi cũng vui mừng ủng hộ tiền để đền sớm được tôn tạo lại cho vững chãi. Nói là làm chỉ trong 9 tháng, giờ đã bước sang năm thứ 3 vẫn chưa xong, không hiểu làm kiểu gì. Dân chúng tôi nhiều lần ý kiến, rồi lên UBND xã hỏi, nhưng xã cũng chỉ hứa sẽ đốc thúc nhà thầu họ làm, thực tế có thấy động tĩnh gì đâu”.

Các cấu kiện sau hạ giải đang nằm chờ thi công

Ảnh: Minh Hải

“Không phải do thiếu tiền”

Trong các báo cáo và văn bản về vụ việc lên các cấp có thẩm quyền, UBND xã Yên Trường viết “nhà thầu không tập trung thực hiện thi công công trình”, hoặc “chủ đầu tư đã đôn đốc nhiều lần nhưng đơn vị thi công không phối hợp thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình và thanh toán khối lượng tạm ứng theo thời gian hợp đồng”…
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, nhận định: “Trường hợp này phải kiểm tra lại thủ tục và hồ sơ kỹ lưỡng. Nếu như đúng theo giải thích của nhà thầu là do chưa hoàn thành bản vẽ thi công thì có vấn đề. Bản vẽ thi công chưa hoàn thành thì tại sao lại hạ giải? Chỉ bắt tay hạ giải khi có bản vẽ được phê duyệt. Đúng luật thì phải có dự án, có chủ đầu tư, kinh phí, có bản vẽ được phê duyệt thì mới được động đến di sản. Nếu thế này thì cả chủ đầu tư và đơn vị thi công đều phải xem lại vì có thể đã vi phạm luật”.    
Trinh Nguyễn
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Yên Trường, thừa nhận việc trùng tu, tôn tạo đền Hổ Bái đang chậm tiến độ, và nhà thầu không hợp tác với chủ đầu tư. “Tôi khẳng định tiền thực hiện dự án không thiếu, nguyên nhân dự án chậm tiến độ không phải vì tiền. Nhà thầu sau khi ký hợp đồng xong thì cả thời gian dài không thi công. Mãi thì đến cuối năm 2020, nhà thầu mới về hạ giải. Hạ giải xong, nhà thầu xây được cái móng, rồi dừng cho đến nay. Nguyên nhân có lẽ do giữa nhà thầu và bên tư vấn thiết kế có những điểm chưa đồng nhất. Chúng tôi cũng đã nói với nhà thầu nếu cần thêm hạng mục hoặc điều chỉnh gì thì làm báo cáo, đề nghị để chúng tôi báo cáo cấp có thẩm quyền, nhưng chưa thấy nhà thầu gửi báo cáo”, bà Ngọc nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Tuấn Liêm, Giám đốc Công ty TNHH tu bổ di tích và xây dựng công trình văn hóa Thanh Hóa (nhà thầu thi công), thừa nhận dự án chậm tiến độ và dừng thi công lâu nay. Tuy nhiên, ông Liêm giải thích nguyên nhân không phải từ phía nhà thầu.
“Do quá trình hoàn thiện hồ sơ sau hạ giải đền chưa hoàn thiện, bản vẽ thi công chưa hoàn thành, nên chúng tôi không thể thi công được. Trong quá trình thực hiện bản vẽ do đơn vị tư vấn thiết kế làm, có những điểm chưa thật sự phù hợp nên phải xem xét lại. Rồi do ảnh hưởng của dịch bệnh, tổ chức hội đồng đánh giá... nên mới dẫn tới quá trình thi công chậm tiến độ”, ông Liêm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.