Ngày 27.9, Indonesia ban hành lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết quyết định có hiệu lực kể từ ngày 27.9, nhằm bảo vệ thị trường truyền thống, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị ảnh hưởng từ việc bán phá giá trên các nền tảng thương mại điện tử.
Hơn nữa, việc cấm bán hàng trên mạng xã hội cũng nhằm bảo đảm cạnh tranh trong kinh doanh, đồng thời bảo vệ dữ liệu người dùng.
Cách đây 2 tuần, Thứ trưởng Thương mại Indonesia Jerry Sambuaga nói rằng mạng xã hội và thương mại điện tử không thể kết hợp với nhau như trường hợp của ứng dụng TikTok và TikTok Shop.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết TikTok có một tuần để triển khai các biện pháp tuân thủ quy định, nếu không sẽ phải đóng cửa.
Động thái của cơ quan chức năng Indonesia diễn ra chỉ 3 tháng sau khi TikTok cam kết đầu tư hàng tỉ USD vào Đông Nam Á trong vài năm tới, nhằm xây dựng nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance của Trung Quốc, có 125 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Indonesia. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, Indonesia, với dân số hơn 270 triệu người, có gần 52 tỉ USD giao dịch thương mại điện tử vào năm ngoái. Trong đó, 5% diễn ra trên TikTok, chủ yếu thông qua các phiên phát trực tiếp.
Bình luận (0)