Hãng Reuters ngày 16.9 dẫn lời Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho hay nước này đang đàm phán với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và 6 hãng dược để trở thành trung tâm sản xuất vắc xin cho toàn cầu.
Lần đầu tiên hé lộ về chiến lược đầy tham vọng, ông cho biết bước đầu Indonesia sẽ ưu tiên mua vắc xin của các hãng chia sẻ công nghệ và mở cơ sở ở nước này.
“Chúng tôi đang làm việc với WHO để trở thành một trong những trung tâm sản xuất vắc xin ARN thông tin cho toàn cầu”, Bộ trưởng Budi trả lời phỏng vấn với Reuters và cho biết ông đã trực tiếp vận động Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong chuyến thăm mới đây đến châu Âu.
“WHO đã chỉ ra rằng Nam Phi sẽ là điểm thứ nhất, và tôi nói rằng việc Indonesia làm điểm thứ 2 là điều hợp lý”, ông kể.
Các trung tâm chuyển giao công nghệ mới nằm trong chiến lược của WHO nhằm phân phối việc sản xuất vắc xin rộng hơn và xây dựng năng lực cho các nước phát triển sản xuất các vắc xin thế hệ mới.
Theo ông Budi, Indonesia muốn xây dựng năng lực sản xuất vắc xin ARN thông tin như của Moderna và Pfizer, cũng như vắc xin vector virus như của AstraZeneca.
Một phát ngôn viên của WHO cho biết Indonesia là một trong 25 nước thu nhập thấp và trung bình đã bày tỏ ý định trở thành trung tâm sản xuất vắc xin. Phát ngôn viên này chưa bình luận về việc nước nào là ứng viên hàng đầu.
Trong một diễn biến khác, tờ Bangkok Post ngày 16.9 đưa tin thủ đô Bangkok của Thái Lan sẽ hoãn 2 tuần đối với kế hoạch mở cửa đón du khách nước ngoài đã tiêm vắc xin.
Bộ Du lịch và Thể Thao Thái Lan đã cam kết mở cửa Bangkok và thu hút ít nhất 1 triệu du khách quốc tế trong năm nay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakarn cho rằng lịch trình mở cửa vào ngày 1.10 là chưa phù hợp, nên sẽ hoãn lại đến ngày 15.10, khi Bangkok đạt tỷ lệ tiêm vắc xin cho 70% cư dân.
Hiện Bangkok có 37% người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, trong khi 33% đang trong thời gian chờ 8-12 tuần để tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca.
Bình luận (0)