Từ khi TP.HCM ban hành giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Intel Vietnam chọn sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” cho 1.870 lao động trực tiếp và 1.500 lao động gián tiếp, các nhà thầu… phải lưu trú tại các khách sạn trong thành phố. Chi phí phát sinh tạm tính cho việc tổ chức sản xuất từ ngày 15.7 - 15.8 lên đến 140 tỉ đồng. Nếu thêm 1 tháng đến 15.9 cũng theo phương án này, theo đại diện của Intel Việt Nam, chi phí phát sinh của doanh nghiệp sẽ tăng gấp đôi và có thể sẽ hơn.
“Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách và kế hoạch sản xuất của công ty trong dài hạn”, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam và Malaysia nhấn mạnh và thông tin thêm, hiện nhà máy Intel tại Việt Nam đang đảm nhận sản lượng rất lớn, các sản phẩm bán dẫn cho tập đoàn và công ty đang xuất cho nhiều nước lớn trên thế giới. Vì thế, nhà máy có vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 6 tháng đầu năm nay, Intel tại Việt Nam chiếm 64% tổng giá trị xuất khẩu của cả Khu công nghệ cao và đóng góp khoảng 30% giá trị xuất khẩu của cả TP.HCM.
Nêu những con số trên, đại diện Intel Việt Nam đề xuất, ưu tiên tiêm mũi vắc xin thứ 2 cho người lao động để “không bị lãng phí mũi 1”. Nếu có đủ 2 mũi vắc xin cho người lao động, hy vọng quý 4 có thể nâng năng suất bù lại cho những sụt giảm trong thời gian qua.
Cho phép doanh nghiệp áp dụng 2 tại chỗ, 1 vùng xanh với cam kết giữa người lao động với doanh nghiệp, chính quyền… Quy định “vùng xanh” của thành phố mới đưa ra gần đây chưa rõ ràng, không biết “vùng xanh” là khu nhà ở, khu phố, hay phường, xã… Trong năm 2021, Intel kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho doanh nghiệp tăng thêm 100 giờ làm việc ngoài giờ. Hiện công ty đã có danh sách gửi 100 kỹ sư qua Mỹ và Malaysia để học thêm nhưng các thủ tục chưa được duyệt. Như vậy, trước mắt, thành phố có thể tạo điều kiện cho chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vào Việt Nam để đào tạo cho đội ngũ kỹ sư này để kịp tiến độ thực hiện các đơn hàng sản xuất…
Về chính sách cách ly người lao động, theo quy định của ngành y tế sau cách ly tập trung 14 ngày, F1 và F2 lại phải cách ly tại nhà thêm 14 ngày, tổng cộng hết 28 ngày, doanh nghiệp bị sụt giảm lao động rất lớn. Trong khi cá nhân những F1, F2 này đã được xét nghiệm PCR 4 lần trong 14 ngày cách ly tập trung. Công ty kiến nghị trong 5 ngày tiếp theo có thêm 2 lần xét nghiệm nhanh, tổng cộng 19 ngày đã đủ an toàn cho người lao động quay trở lại làm việc. Ngoài ra, nên giảm thuế thu nhập cho người lao động trong năm 2021. Do người đi làm được trong thời gian này là người có thu nhập duy nhất trong gia đình, họ gánh mọi chi phí cho gia đình nhỏ, gia đình lớn.
Ngoài Intel Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp nước ngoài khác như Jabil, Aeon, Nidec, các hiệp hội doanh nghiệp các nước tại Việt Nam như Amcham, Eurocham, doanh nghiệp Đức, Singapore tại TP.HCM… đều có kiến nghị liên quan ưu tiên vắc xin cho người lao động để không bị gãy chuỗi sản xuất, giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp.
Bình luận (0)