Thiếu hụt trầm trọng
Rạng sáng 17.8, anh Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), viết trên Facebook cá nhân: “Cuối cùng rồi dịch cũng đã vào cửa, nó phản ánh rất cụ thể về những gì chúng tôi đã lo lắng, thực hiện để ứng phó với nó lâu nay!”.
Công ty Cỏ May có 4 nhà máy tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” (3T) và lập một tiểu ban phòng chống dịch Covid-19 của riêng mình từ ngày 1.7 đến nay. Tuy nhiên, điều kiện và hoàn cảnh mỗi nhà máy khác nhau, trong đó mảng chế biến thủy sản là cam go nhất, vì rất đông công nhân, lại làm việc trong môi trường ẩm ướt và nền nhiệt độ thấp. Thế nên, khi công ty xét nghiệm đầu vào hơi chậm so với diễn biến bên ngoài thì đã có 3 ca dương tính. Tình huống khiến doanh nghiệp (DN) khó khăn chồng khó khăn về áp lực giữ an toàn, chi phí, thanh khoản, đầu ra, kế hoạch..., tất cả đều ở mức đe dọa hoặc đã gây tổn thương không nhỏ.
“Chúng tôi bình yên theo sách lược 3T đã hơn 1 tháng rưỡi và mọi người cũng đã kịp tiêm mũi vắc xin đầu tiên... Thế nhưng, một số người đang sản xuất theo 3T xin về thăm nhà và giải quyết việc gia đình đôi ba ngày. Khi họ quay lại, công ty tổ chức xét nghiệm nhanh và đã phát hiện hơn chục ca dương tính. Quá mệt mỏi, vậy là nhà máy nay phải tạm đóng cửa hết. Sắp tới số F0, F1 tự cách ly cũng phải tạm ngưng sản xuất, chắc chắn lao động sẽ thiếu hụt thêm. Thời gian qua, công ty đã gồng mình duy trì “3 tại chỗ” chỉ với 2/3 lao động. Nay công nhân nghỉ nữa, không biết các đơn hàng xuất khẩu sắp tới xoay xở thế nào...”, nói vậy nhưng anh Thiện vẫn quả quyết: “Đằng nào dịch cũng tràn về nhà máy rồi, lại phải gồng mình vượt qua. Trong thời gian qua, không chỉ khó khăn sản xuất, nguồn lao động thiếu hụt mà ngay việc thức ăn chăn nuôi sản xuất ra cũng không giao về cho ao cá được vì nhiều địa phương áp căng Chỉ thị 16, không coi thức ăn cho cá là hàng thiết yếu. Rồi lực lượng bốc xếp hàng không có, hàng chở đi đường thủy không được... Khó chồng khó, tồn tại hay không tồn tại cho chính DN quyết định thôi”.
Không chỉ sản xuất hàng xuất khẩu thiếu nhân sự, ngay DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước cũng chật vật để duy trì sản xuất trong tình trạng thiếu hụt lao động. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân (TP.HCM), cho hay lực lượng lao động giảm 20 - 30% từ khi công ty tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Đổi lại, số công nhân đi làm phải tăng ca liên tục.
“Quan điểm chung vẫn phải tập trung hết công suất bù cho lực lượng thiếu do hoàn cảnh gia đình không thể ở lại sản xuất lâu dài, hoặc công nhân sống trong khu vực bị phong tỏa... Hiện tại, chúng tôi đang tổ chức sản xuất hết công suất và tăng ca. Tuy nhiên về lâu dài, rõ ràng việc thiếu lao động là áp lực vô cùng lớn. Trong khi ngành hàng của DN là thiết yếu, nhu cầu luôn có và tăng liên tục, do nơi này, nơi kia tạm đóng cửa nhà máy nên áp lực duy trì sản xuất lâu dài với lực lượng lao động giảm rất lớn”, ông Hùng chia sẻ.
Nguy cơ mất khách hàng xuất khẩu rất lớn
Với những DN xuất khẩu, việc đứt gãy sản xuất do thu hẹp sản xuất, do không tổ chức được 3T thì nguy cơ lớn hơn là mất khách hàng. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho hay cách đây hơn nửa tháng, việc duy trì 3T là lựa chọn duy nhất nếu các DN muốn hoàn thành đơn hàng. Ngành may mặc, giày dép, nội thất... lợi nhuận chỉ khoảng 5 - 10%, ngưng 2 tháng là chi phí bắt đầu ăn vào vốn nên họ rất khó để đóng cửa, phải cố duy trì hoạt động với công suất rất thấp.
“Cách đây 10 ngày, khảo sát của HAWA với khu vực Bình Dương, Long An, Đồng Nai..., các nhà máy duy trì sản xuất đạt 48%, khu vực TP.HCM thấp hơn nhiều. Tuy nhiên đến nay, tính chung số DN và cả lao động rơi rụng tiếp 10%. Đặc thù của ngành này hiện nay làm những mặt hàng mang tính phổ biến, dễ làm. Nếu tạm hoãn đơn hàng với đối tác, chắc chắn mất khách, vì họ có thể đặt hàng tương đương tại các thị trường lân cận ngay lập tức. Bên cạnh đó, tình trạng lao động rời TP và các tỉnh để về quê nhà lúc này là “báo động đỏ” cho việc thiếu hụt lao động phổ thông sau này của các nhà máy. Theo đó, nguy cơ bị dịch chuyển các đơn hàng xuất khẩu khỏi khu vực miền Nam và TP.HCM vô cùng lớn”, ông Phương cảnh báo.
UBND TP.HCM trong kế hoạch cho TP tiếp tục giãn cách thêm 1 tháng đến ngày 15.9 đã đưa ra 4 phương án tổ chức sản xuất cho DN theo hướng: 3T hoặc 3T có thay ca, 4 xanh (lao động xanh, nhà máy xanh, cung đường xanh, chỗ ở xanh), 2 địa điểm - 1 cung đường và kết hợp các phương án nói trên. Trao đổi với Thanh Niên, các DN làm hàng xuất khẩu, chủ yếu trong các khu công nghiệp lại đang muốn triển khai mô hình “4 xanh” theo tiêu chuẩn mà chính các DN đã triển khai tốt trước đây.
Ông Nguyễn Chánh Phương nêu quan điểm, để duy trì sản xuất an toàn và lâu dài, việc hợp tác có trách nhiệm và cương quyết giữa 3 bên vô cùng quan trọng. Đó là DN phải đăng ký mô hình sản xuất xanh tại nhà máy và người lao động phải khai báo đầy đủ, tuân thủ nguyên tắc đi về theo cung đường “xanh” và sống trong khu phố “xanh” được địa phương quản lý công nhận. Muốn vậy, phía nhà nước phải cung cấp đầy đủ thông tin vùng nào, con đường nào, khu phố nào “xanh” để DN có dữ liệu đăng ký, quản lý. Trong nhà máy, theo cách quản lý mô hình “tháp zalo” được áp dụng tại các nhà máy ở Bắc Giang, chúng ta có thể tham khảo để ứng dụng từ ban giám đốc, xuống quản đốc, tổ trưởng, công nhân.
“Muốn giữ đơn hàng, khách hàng trong tình trạng hiện nay với doanh nghiệp là vô cùng khó khăn. Chúng tôi cũng có kiến nghị và ủng hộ phương án 2 tại chỗ, hoặc 4 vùng xanh, theo chủ trương tổ chức bảo vệ vùng xanh của Chính phủ đưa ra mới đây. Tuy nhiên, mọi việc tổ chức sản xuất lại bằng phương án mới hoàn toàn không đơn giản khi lực lượng lao động đã mỏng nhiều”.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM
|
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM (HBA), thông tin thêm hiện các khu công nghiệp tại TP.HCM chỉ duy trì được 20% lao động tại chỗ theo phương án 3T lâu nay. Chỉ có 51.000/260.000 lao động có làm việc từ khi các nhà máy sản xuất theo 3T, tại Khu Công nghệ cao cũng duy trì được 10.000 lao động, giảm rất nhiều.
Bình luận (0)