Internet tròn 30 tuổi: Nhìn lại buổi đầu phát minh
05/03/2019 07:40 GMT+7
Một ngày tháng 3 cách đây 30 năm, một nhà khoa học máy tính người Anh làm việc tại phòng thí nghiệm gần Geneva (Thụy Sĩ) phát minh ra hệ thống để các nhà khoa học chia sẻ thông tin.
Tự động phát
Theo thời gian, hệ thống này từng bước thay đổi cuộc sống của con người. Song 30 năm sau ngày phát minh World Wide Web, nhà khoa học Tim Berners-Lee cảnh báo rằng sáng tạo của ông đã bị “kẻ gian chiếm đoạt” và có thể bị chúng hủy diệt.
Văn phòng cũ của "cha đẻ internet" tại phòng thí nghiệm vật lý CERN ở châu Âu trông không khác những văn phòng bình thường. Dấu hiệu lịch sử duy nhất là một tấm bảng nhỏ kỷ niệm dịp ông phát minh internet cách đây ba thập niên. “Tim làm việc nhiều. Đèn luôn sáng trong phòng ông ấy”, kỹ thuật viên Francois Fluckiger, người phụ trách nhóm internet sau khi Berners-Lee rời CERN để đến Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 1994, cho hay.
Làm nên lịch sử
|
Ngày ấy, Berners-Lee chịu trách nhiệm thư mục nội bộ của CERN, song quan tâm đến cách giúp hàng ngàn nhà khoa học quốc tế hợp tác với phòng thí nghiệm dễ dàng chia sẻ công việc của họ. Tầm nhìn của ông về “hệ thống quản lý thông tin phi tập trung” sớm “khai sinh” internet. Hình thức ban đầu của internet là mạng lưới liên kết nhiều máy tính đã tồn tại, nhưng Berners-Lee lại nghĩ về World Wide Web cho phép các trang web được thu thập và truy cập bằng trình duyệt.
[VIDEO] Cha đẻ mạng World Wide Web nói "đó không phải là thứ tôi muốn"
|
“Từ rất sớm, chúng tôi có cảm giác rằng lịch sử đang thành hình”, ông Fluckiger chia sẻ. Năm 1990, nhà khoa học người Bỉ Robert Cailliau tham gia thúc đẩy phát minh vốn sử dụng Ngôn ngữ Đánh dấu Siêu văn bản (HTML) làm tiêu chuẩn tạo trang web. Họ tạo ra Giao thức Truyền tải Siêu văn bản (HTTP), cho phép người dùng truy cập tài nguyên bằng cách nhấp vào siêu liên kết và cả Bộ định vị Tài nguyên Đồng nhất (URL) như một hệ thống địa chỉ trang web.
Đến cuối năm 1990, Berners-Lee khởi động máy chủ điều hướng internet đầu tiên của CERN. Trình duyệt được phát hành bên ngoài CERN vào đầu năm 1991, trước hết là cho nhiều tổ chức nghiên cứu, sau là đến với đại chúng.
Cha đẻ World Wide Web cứu internet
|
Fluckiger hiện đã nghỉ hưu. Ông xem internet là một trong ba phát minh lớn của thế kỷ 20, mở ra xã hội kỹ thuật số cùng với Giao thức Internet (IP) và thuật toán tìm kiếm của Google. Dù vậy, ông thấy phiền vì hiện tượng “bắt nạt trực tuyến, tin tức giả mạo và sự kích động đại chúng” phổ biến trên mạng. Ông cũng lo về mối đe dọa với quyền riêng tư.
Berners-Lee phát động chiến dịch riêng của ông để “cứu web”. Tại Hội nghị Web ở Lisbon (Bồ Đào Nha) tháng 11.2018, ông kêu gọi “Hợp đồng cho Web” mới, dựa trên quyền truy cập cho tất cả mọi người, các quyền riêng tư cơ bản và nhiều yếu tố khác. Berners-Lee viết dòng cảnh báo trên tờ The New York Times cuối năm qua: “Web đã bị tấn công bởi những kẻ lừa đảo, những kẻ châm chọc chuyên đi thao túng mọi người trên thế giới”. Ông nhắc đến dark web, tin giả, tội phạm mạng và các vụ trộm dữ liệu cá nhân.
Tháng 1, Berners-Lee tiếp tục thúc giục giới lãnh đạo và giàu có hàng đầu thế giới tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) cùng tham gia cuộc chiến chống sự phân cực của tranh luận trực tuyến. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại về hướng đi của web tại Davos. Ông cảnh báo về tác động của dark web và tất cả vấn đề an ninh mạng.
Mã nguồn mở
|
Trở lại năm 1989, không ai có thể mường tượng ra tầm quan trọng của web ngày đó. CERN chỉ giữ lại vài món đồ kỷ niệm từ những ngày đầu: Bản ghi nhớ đầu tiên mà Berners-Lee phác thảo về phát minh, máy tính NeXT màu đen và bàn phím của ông. Dù không giữ nhiều hiện vật lịch sử, CERN vẫn nỗ lực ngăn chặn web rơi vào tay kẻ xấu.
Năm 1993, tổ chức này tuyên bố đưa phần mềm web vào tên miền công cộng. Điều này có thể cho phép bất cứ cá nhân, doanh nghiệp nào tuyên bố web là của riêng họ và kiểm soát sự phát triển của nó. Song CERN thay đổi quyết định sau đó với một chút giúp đỡ từ Fluckiger, ngăn chặn một thảm họa tiềm ẩn. Sau khi thảo luận với dịch vụ pháp lý của CERN, ông Fluckiger quyết định ra mắt phiên bản nguồn mở mới của internet vào năm 1994.
Đây là động thái quan trọng cho phép CERN giữ bản quyền sở hữu trí tuệ với sáng chế, đồng thời cho phép cả thế giới dùng, sửa web tự do, không mất phí. Năm 1995, quyền sở hữu trí tuệ được giao cho hiệp hội chuyên phát triển nền tảng web W3C do Berners-Lee thành lập, có trụ sở ở MIT. “Chúng tôi may mắn là trong 18 tháng đó, không ai chiếm được web, nếu không thì chúng ta có thể đã không có web hôm nay”, Fluckiger chia sẻ.
Mã nguồn mở
World wide web
Web
Khoa học máy tính
trình duyệt
an ninh mạng
internet
Tim Berners-Lee
CERN
Phát minh
Bình luận (0)