Iran tuyên bố phát hiện một trong những mỏ lithium lớn nhất thế giới

11/03/2023 18:06 GMT+7

Vào đầu tháng 3, chính phủ Iran tuyên bố đã phát hiện ra một mỏ lithium khổng lồ với trữ lượng lên đến 8,5 triệu tấn.

Quặng lithium, kim loại được sử dụng nhiều trong sản xuất các thiết bị điện tử, phần lớn được khai thác từ những cánh đồng muối tại Chile, một trong những quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất trên thế giới.

Thế nhưng, vào đầu tháng 3, chính phủ Iran tuyên bố đã phát hiện ra một mỏ lithium khổng lồ có thể giúp nước này khẳng định vị thế trong cuộc đua lithium trên toàn cầu.

Một mỏ lithium tại Chile

Một mỏ lithium tại Chile

REUTERS

Theo đài CNBC, quan chức Mohammad Hadi Ahmadi của Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran đã xác nhận thông tin nói trên trên truyền hình nhà nước Iran. "Lần đầu tiên tại Iran, một trữ lượng lithium đã được phát hiện ở Hamedan (tỉnh miền tây Iran)", ông Ahmadi nói và cho biết thêm trữ lượng lithium này chứa khoảng 8,5 triệu tấn.

Nếu con số trên là chính xác thì Iran sẽ là quốc gia nắm giữ trữ lượng lithium lớn nhất bên ngoài khu vực Nam Mỹ. Vào năm 2022, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ ước tính tổng trữ lượng lithium trên thế giới vào khoảng 89 triệu tấn, nghĩa là Iran đang nắm giữ gần 1/10 trữ lượng lithium của thế giới, theo CNBC.

Giá của lithium đã tăng trong những năm gần đây, phần lớn được thúc đẩy bởi nhu cầu sử dụng xe điện có pin lithium ngày càng tăng nhằm giảm lượng khí thải đầy tham vọng của các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ. Một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty McKinsey (trụ sở chính tại Mỹ) từ năm 2022 cho biết giá của kim loại này tăng 550% hằng năm.

Nhà phân tích mảng lithium Thomas Chandler của công ty phân tích thị trường kim loại SFA Oxford (Anh) mô tả phạm vi tìm kiếm lithium của Iran: "Vấn đề mấu chốt là độ tập trung của trữ lượng lithium vừa được tìm thấy và lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Mặc dù đang có rất nhiều nghi vấn xoay quanh sự tồn tại của một mỏ lithium khổng lồ như vậy, nhưng riêng kích thước của nó đã là rất đáng chú ý rồi".

Phát hiện này quan trọng thế nào?

Ngay sau khi Iran công bố phát hiện của mình, hãng truyền thông nhà nước Nga Sputnik đã đăng tải một bài viết cho rằng lượng lithium nói trên đã "khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây trở nên vô giá trị", ngầm khẳng định việc phát hiện là "chiến thắng" của quốc gia Hồi giáo đã bị cô lập về kinh tế bởi các lệnh trừng phạt suốt bao lâu nay.

Khi thế giới dần cô lập Moscow vì xung đột Ukraine - Nga, chính phủ Nga đã tăng cường mối quan hệ với Iran. Nước này bị tố cáo đã cung cấp cho quân đội Nga máy bay không người lái và các công nghệ quân sự khác. Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã lên án gay gắt việc Iran ủng hộ chiến dịch quân sự tại Ukraine của Nga, các lệnh trừng phạt của họ lên Iran đã lớn đến mức khó có thể tăng cường thêm.

Với nhu cầu về quặng lithium tăng lên cùng với sự phổ biến của xe điện, đặc biệt là ở các nước châu Âu với mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0, việc phát hiện ra những nguồn dự trữ kim loại này chắc chắn có thể là cú hích kinh tế cho Iran cũng như một công cụ để thương lượng.

Tin tốt cho Trung Quốc?

Là một trong số đồng minh kinh tế của Iran, Trung Quốc đã luôn tích cực tìm kiếm các nguồn lithium mới cho ngành công nghiệp pin đang phát triển chóng mặt của nước này. Sở hữu thị trường xe điện lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc tăng cường sản xuất lithium tại các thị trường mới, bao gồm khoản đầu tư hàng tỉ USD gần đây vào một nhà máy xử lý lithium ở Bolivia do chính chính phủ Trung Quốc điều hành.

Giờ đây, với tư cách là quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Iran, Trung Quốc trở thành khách hàng mua dầu chính của nước này, sau khi Tổng thống Mỹ vào năm 2020 là ông Donald Trump áp đặt lại các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Iran. Hiện tại, Trung Quốc đang là đối tác thương mại duy nhất còn lại của Iran có khả năng tinh chế quặng lithium ở quy mô lớn, vì thế rất có thể đất nước tỉ dân sẽ được hưởng lợi từ bất kỳ nguồn dự trữ mới nào được phát hiện ở Iran.

Ngoài ra, nếu trữ lượng lithium nói trên được xác nhận là có thật, Iran có thể sẽ cần phải dựa vào nguồn đầu tư của Trung Quốc để khai thác và tinh chế bất kỳ loại lithium nào mà họ tìm thấy. Theo nhà phân tích Chandler của SFA Oxford, Iran không đủ khả năng để xử lý một lượng lớn lithium như thế. Ông cho biết: "Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu Trung Quốc đầu tư và khai thác mỏ lithium khổng lồ này. Iran chắc hẳn rất muốn các công ty Trung Quốc tham gia và thực hiện phần lớn các đầu việc".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.