Israel đứng trước lựa chọn cân não

18/04/2024 06:00 GMT+7

Israel đã tuyên bố Iran sẽ không thể thoát khỏi hình phạt một cách bình an vô sự sau vụ tấn công chưa từng có, nhưng các đồng minh của Tel Aviv đang tìm cách xoa dịu tình hình.

Quân đội Israel hôm qua (17.4) thông báo đã tiến hành một loạt đợt không kích nhằm vào hơn 40 mục tiêu tại Dải Gaza trong vòng 24 giờ, theo báo The Times of Israel. Đồng thời, máy bay Israel cũng tấn công và tiêu diệt hai chỉ huy của lực lượng Hezbollah tại miền nam Li Băng. Những hành động này diễn ra trong lúc quân đội Israel đang rục rịch kế hoạch đáp trả Iran và đưa bộ binh vào khu vực Rafah ở miền nam Dải Gaza để tiêu diệt lực lượng Hamas.

Rủi ro cho Israel

Bất chấp lời kêu gọi kiềm chế của các đồng minh phương Tây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch trên cả hai mặt trận này dù chưa công bố thời điểm cụ thể. AFP hôm qua dẫn lời các chuyên gia về tình hình khu vực phân tích rằng quân đội Israel không thể cùng lúc tiến hành hai chiến dịch như trên. Ông John Erath, Giám đốc chính sách tại Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí (Mỹ), cho rằng các lãnh đạo Israel có thể xem xét những phương án không làm leo thang căng thẳng với Iran và là một lối thoát cho cuộc khủng hoảng.

Israel đứng trước lựa chọn cân não

Nếu Israel vẫn quyết tâm đáp trả Iran, hành động đó sẽ làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến trên nhiều mặt trận và được cho sẽ khiến Tel Aviv càng thêm bị cô lập. Mặc dù quân đội Israel sở hữu ưu thế lớn so với các đối thủ trong khu vực nhưng để tấn công Iran, Tel Aviv sẽ phải cần được các nước vùng Vịnh cho phép sử dụng không phận, điều không chắc chắn được đảm bảo. Ngoài ra, một cuộc xung đột trực tiếp cũng sẽ làm gia tăng áp lực lên quân đội Israel, khiến họ phân tâm khỏi cuộc xung đột tại Gaza và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Xe tăng Israel hoạt động gần Gaza ngày 16.4

Xe tăng Israel hoạt động gần Gaza ngày 16.4

AFP

Trả lời báo The Guardian ngày 16.4, Đại biện Iran tại Anh Seyed Mehdi Hosseini Matin cáo buộc Israel đang tìm cách lôi kéo phương Tây vào một cuộc chiến tranh toàn diện tại Trung Đông với hậu quả không thể nào đong đếm được. Ông khẳng định Tehran đã đạt mục tiêu trong cuộc tấn công Israel và cảnh báo sẽ đáp trả ngay lập tức và mạnh mẽ nếu Tel Aviv phạm sai lầm khi có hành động trả đũa.

Phương Tây xoa dịu

Hôm qua, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã gợi ý sẽ gia tăng cấm vận Iran về vụ tấn công Israel rạng sáng 14.4. Các quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ tung ra những lệnh cấm vận mới nhắm vào chương trình tên lửa, máy bay không người lái, lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo và Bộ Quốc phòng cũng như năng lực xuất khẩu dầu của Iran. Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell cho hay liên minh đang làm việc để có biện pháp mạnh mẽ hơn chống lại việc cung cấp vũ khí từ Iran cho các lực lượng khác.

Trong một cuộc điện đàm ngày 16.4, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng tìm cách xoa dịu người đồng cấp Israel để tránh leo thang căng thẳng. Trong cuộc gọi, ông Sunak nói rằng sự leo thang chỉ làm gia tăng tính mất an ninh tại Trung Đông và nhấn mạnh đây là lúc cho "những cái đầu bình tĩnh". Ngoại trưởng Anh David Cameron và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm qua có cuộc gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog tại Jerusalem. Sau cuộc gặp, ông Cameron cho hay Israel rõ ràng đã ra quyết định phản ứng nhưng ông hy vọng Tel Aviv sẽ hành động theo cách "ít làm leo thang nhất có thể".

Iran được gì sau cuộc tấn công vào Israel?

HĐBA bỏ phiếu về tư cách thành viên LHQ của Palestine

AFP hôm qua đưa tin HĐBA LHQ sẽ bỏ phiếu về tư cách thành viên chính thức của Palestine tại LHQ trong ngày 18.4. Đại hội đồng LHQ có thể kết nạp thành viên mới với 2/3 số phiếu ủng hộ nhưng việc đó chỉ diễn ra sau khi HĐBA nhất trí đưa ra lời giới thiệu.

Trong một tuyên bố ngày 16.4, Nhóm Ả Rập khẳng định sự ủng hộ vững chắc dành cho nỗ lực của Palestine, nhấn mạnh rằng tư cách thành viên chính thức tại LHQ là bước quan trọng để hướng đến giải pháp công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine. Mỹ, thành viên lâu nay phủ quyết việc giới thiệu của HĐBA, cho rằng việc thành lập nhà nước Palestine độc lập nên diễn ra thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên thay vì tại LHQ. Theo Reuters, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield ngày 17.4 nói rằng một nghị quyết của HĐBA về việc đề xuất trao tư cách thành viên chính thức cho Palestine sẽ không giúp mang đến giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel - Palestine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.