Trong tuyên bố được đưa ra hôm 4.1, văn phòng Bộ trưởng Gallant cho biết Israel sẽ tấn công có mục tiêu hơn ở phía bắc Gaza trong khi vẫn tiếp tục tìm diệt các thủ lĩnh Hamas ở phía nam lãnh thổ này, theo Reuters.
Thông báo được đưa ra giữa lúc Israel tiếp tục rút lực lượng ở Gaza để hàng nghìn quân nhân dự bị có thể quay trở lại với công việc của họ, trước áp lực quốc tế ngày càng gia tăng.
Văn phòng ông Gallant nói rằng họ đã vạch ra các nguyên tắc chỉ đạo phản ánh tầm nhìn của vị bộ trưởng cho các giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.
"Ở khu vực phía bắc Dải Gaza, chúng tôi sẽ chuyển sang một phương pháp chiến đấu mới phù hợp với những thành tựu quân sự trên thực địa", tuyên bố cho hay. Theo đó, các hoạt động sẽ bao gồm đột kích, phá hủy các đường hầm, tấn công trên không và trên bộ cũng như hoạt động của lực lượng đặc biệt.
Israel có thể chiếm đóng Gaza trong năm 2024?
Ở phía nam của lãnh thổ bị cô lập, nơi dân thường Palestine chạy loạn đang phải lưu trú trong lều trại cũng như ở những nơi trú ẩn tạm thời, Israel sẽ tiếp tục nỗ lực truy lùng và tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas cũng như giải cứu con tin. "Chiến dịch sẽ tiếp diễn miễn là cần thiết", tuyên bố cho biết.
Ông Gallant nhấn mạnh Hamas sẽ không còn kiểm soát Gaza sau chiến sự và Israel sẽ bảo lưu quyền tự do tiến hành hoạt động quân sự của mình. Tuy nhiên, ông cũng nói Gaza "ngày sau" sẽ không có sự hiện diện dân sự của Israel và các tổ chức của người Palestine sẽ chịu trách nhiệm quản lý khu vực này.
"Cư dân Gaza là người Palestine, do đó các tổ chức của người Palestine sẽ chịu trách nhiệm với điều kiện là sẽ không có hành động thù địch hay mối đe dọa nào chống lại Nhà nước Israel", văn phòng ông Gallant cho biết trong tuyên bố.
Theo cơ quan y tế Gaza, xung đột bùng nổ từ ngày 7.10 giữa Hamas và Israel đã làm thiệt mạng hơn 22.000 người ở lãnh thổ này, buộc hầu hết trong số 2,3 triệu cư dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa và biến phần lớn Gaza thành đống đổ nát.
Cộng đồng quốc tế đã tăng cường lên án hoạt động quân sự của Israel, đồng thời kêu gọi các bên đi đến ngừng bắn ngay lập tức. Song Mỹ, đồng minh lớn nhất của Israel, không ủng hộ ngừng bắn lâu dài, bất chấp sức ép quốc tế ngày càng gia tăng cũng như những rạn nứt gần đây trong quan hệ hai nước vì cuộc chiến.
Người Gaza chịu cảnh đói khi chiến sự ảnh hưởng dòng hàng cứu trợ
Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Mỹ đã lên đường đến Trung Đông, chuyến công du thứ tư của ông tại khu vực này từ khi chiến sự nổ ra ở Gaza. Trong chuyến đi lần này, diễn ra từ ngày 4 đến ngày 11.1, ông Blinken dự kiến dừng chân ở Israel, Bờ Tây cũng như các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út và Ai Cập, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói với các phóng viên rằng ông Blinken sẽ tiếp tục kêu gọi đưa thêm hàng cứu trợ nhân đạo vào Gaza trong khi cố gắng đạt được tiến bộ về vấn đề quản lý Gaza sau chiến sự.
Chuyến đi cũng diễn ra giữa lúc lo ngại về việc xung đột lan ra rộng hơn ở khu vực ngày càng gia tăng. Sau cuộc tấn công giết chết phó thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri ở thủ đô Beirut của Li Băng hôm 2.1, thủ lĩnh Hezbollah cho biết lực lượng này "không thể im lặng". Một quan chức Mỹ cũng tiết lộ quân đội nước này hôm 4.1 đã thực hiện tấn công trả đũa ở thủ đô Baghdad của Iraq, giết chết thủ lĩnh của một lực lượng vũ trang khác mà Washingtin cho rằng đứng sau các cuộc tấn công gần đây nhằm vào người Mỹ.
"Không có lợi cho ai, không phải Israel, không phải khu vực, không phải thế giới, khi xung đột này lan rộng ra ngoài Gaza", ông Miller nói, đồng thời cho biết Ngoại trưởng Blinken sẽ thảo luận về các giải pháp mà các bên có thể thực hiện để ngăn chặn leo thang.
Bình luận (0)