Covid-19 hoành hành khắp thế giới và Nhật Bản không là ngoại lệ với những tổn thương không nhỏ. Ngày 25.2.2020, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) buộc thông báo quyết định hoãn ngày khai mạc J-League 2020 dự kiến đến 15.3 vì đại dịch Covid-19.
Thực tế, người Nhật đã phải nhịn bóng đá lâu hơn dự kiến, phải đến 4 tháng sau, ngày 27.6 các sân cỏ nơi đây mới sáng đèn trở lại dưới các khán đài không khán giả, trước khi từng bước nới lỏng các quy định để đón CĐV vào sân.
Kết quả, Nhật Bản đã làm nên điều thần kỳ khi tổ chức 1.042 trận trên tất cả các hạng đấu, trong đó có trên 61 trận không có khán giả. Tổng cộng, đã có hơn 3,6 triệu lượt CĐV vào sân mà không xuất hiện một trường hợp lây nhiễm tập thể nào.
Bí quyết ở đây chính là phương pháp bong bóng khép kín bóng đá khỏi cộng đồng như cách các nước châu Âu áp dụng. Và trên hết là tinh thần tích cực vì cái chung, mạnh dạn vượt qua nỗi sợ để áp dụng phương thức mới giúp bóng đá không còn phải chật vật né tránh Covid-19.
|
Thực tế Nhật Bản cũng từng khá rối trước đại dịch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Cũng giống Việt Nam, J-League từng 4 lần lên lịch đá trở lại nhưng liên tục phải dời lại vì những diễn biến phức tạp của Covid-19.
Tuy nhiên, nhìn lại J-League và JFA đã có phương án xử lý từng bước một khá hợp lý: Ngay tháng 2.2020, J-League yêu cầu tất cả các CLB phải bố trí nhân viên phụ trách Covid-19 tại chỗ.
Khi thấy không thể mãi né tránh khi dịch đã lan rộng trong cộng đồng, người Nhật quyết định "sống chung với lũ" và áp dụng cơ chế bong bóng để bóng đá có cách riêng đi xuyên đại dịch.
Ngày 19.3 khi giải vẫn đang bị hoãn, J-League thông báo sẽ không có đội rớt hạng ở mùa 2020, nâng số đội J-League 1 mùa 2021 lên 20 đội. Điều quan trọng nhất ở đây không còn là thắng - thua nữa mà để "Bóng đá đem lại niềm vui cho nhân dân Nhật Bản".
|
Không còn lo rớt hạng, các CLB J-League sẵn lòng hơn để cùng áp dụng phương áp bong bóng khép kín, nhất là sau trường hợp cầu thủ J-League đầu tiên bị phát hiện âm tính với Covid-19 vào tháng 4.
Sau đó J-League tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng JFA và BTC vẫn tổ chức các hội nghị liên lạc để tìm lối ra. Họ công bố bản hướng dẫn vào giữa tháng 5, thành lập Ủy ban phòng chống Covid-19 và bắt đầu xét nghiệp PCR để mở lại J-League vào ngày 27.6.
Trong phần chia sẻ kinh nghiệm với VPF và các CLB V-League ngày 5.7 vừa qua, đại diện J-League khẳng định 3 mục tiêu lớn nhất lần lượt là: 1. Bảo vệ người dân, 2. Giữ gìn văn hóa thể thao, 3. Giữ cho khán giả an toàn, an tâm khi vui vẻ xem thi đấu.
CLB và giải đấu tồn tại trong các khả năng có hoặc không có khán giả với các nguyên tắc bảo đảm sự an tâm, an toàn cho CĐV, cầu thủ và kể cả "nếu như không thể bảo đảm được sự công bình đi nữa vẫn phải thi đấu cho đến cuối".
|
Tổng hợp các nguyên tắc này, J-League và JFA đã soạn bản hướng dẫn, nghiêm chình tuân thủ cơ chế bong bóng cho các CLB, BTC sân; lên lịch thi đấu, đảm bảo hệ thống xét nghiệm PCR, đặt ra quy tắc không có đội rớt hạng.
Bài toán tài chính cũng được J-League và JFA tính đến một cách nghiêm túc với các biện pháp tăng tiền thưởng và nâng cao tư tưởng, xem xét lại tiền phân chia cho các CLB, đảm bảo ngân sách khẩn cấp (trả trước tiền phân chia cho các CLB, nới lỏng cơ chế cấp giấy phép chuyên nghiệp...
Bí quyết về cơ chế bong bóng đã được J-League chia sẻ cho VPF và các CLB V-League. Nếu có quyết tâm và sự đồng bộ thích hợp, chúng ta có thể áp dụng tại Việt Nam nếu các CLB V-League được hoàn tất tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 và tổ chức thi đấu tập trung ở các cụm sân theo khu vực nếu cần thiết.
Nói một cách dễ hiểu, các đội bóng phải được tiềm ngừa đầy đủ và ăn ở, sinh hoạt, tập luyện, thi đấu theo nguyên tắc 5K và không tiếp xúc với bất kỳ một người ngoài nào. Khi ra khỏi khách sạn, đội bóng được bố trí đi xe riêng đến sân tập hoặc thi đấu rồi về. Trong sân vận động, các thành viên thuộc BTC sân, khán giả, truyền thông... đều được phân luồng riêng nhằm tránh mọi tiếp xúc với thành viên CLB. Thậm chí cầu thủ không được đăng ký cũng không được vào phòng thay đồ. Thành viên đội bóng phát hiện dương tính sẽ được cách ly để theo dõi, điều trị khi nào âm tính sẽ trở lại mà đội bóng không cần phải cách ly 2 tuần như thông thường.
|
Có một thực tế là từ trước ngày 19.7, khi VPF gửi công văn đến các CLB đề xuất dời V-League 2021 sang tháng 2.2022, sự phản đối đã lên cao khi phương án này chưa hiểu rõ nhu cầu và khó khăn của các đội bóng. Ngoại trừ một số ít im lặng, đa phần ý kiến các CLB như Đà Nẵng, Hà Tĩnh, HAGL, TP.HCM, Sài Gòn FC, Bình Dương... đều phản đối vì có nguy cơ oằn mình trước gánh nặng tài chính, cùng quá nhiều bất cập, rắc rối quanh việc gia hạn hợp đồng với hơn 400 cầu thủ V-League.
Tất cả đều đưa ra câu hỏi sau khi kế hoạch đá lại ngày 31.7 và giữa tháng 8.2021 còn bị hủy vì Covid-19, liệu VPF có chịu trách nhiệm nếu 6 tháng sau đến tháng 2.2022 V-League 2021 không thể tái khởi tranh? Khó khăn nằm ở quy tắc thông thường cách ly 14 ngày nếu trở về từ vùng dịch và lịch tập huấn, thi đấu liên tục của tuyển Việt Nam kéo dài từ tháng 8 đến 3.2022. Cơ chế bong bóng của J-League hoàn toàn có thể lấy để tham khảo để V-League thoát khỏi những vướng mắc hiện tại.
|
Bình luận (0)