Jack Ma chuẩn bị gì cho cuộc sống hậu Alibaba?
08/09/2018 10:31 GMT+7
Jack Ma đã lên kế hoạch cho một tương lai không có Alibaba, hãng thương mại điện tử khổng lồ mà ông là người đồng sáng lập.
Tự động phát
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, Jack Ma cho biết ông đang dành nhiều thời gian và tài sản cho việc thành lập một quỹ từ thiện mang tên ông với mong muốn đóng góp cho hoạt động giáo dục, như những gì tỉ phú Bill Gates đã làm. Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, người đàn ông giàu nhất Trung Quốc hiện sở hữu khối tài sản ròng khoảng 40 tỉ USD.
Mặc dù tự thấy mình chỉ là một người tình cờ bước vào thế giới kinh doanh bằng cách thành lập Alibaba cách đây gần 20 năm, nhưng thực tế Jack Ma đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp được công nhận tài ba nhất của Trung Quốc. Ngay cả sau khi đã từ chức giám đốc điều hành Alibaba hồi năm 2013, cựu giáo viên tiếng Anh vẫn là người đại diện trước công chúng của công ty có giá trị thị trường hơn 400 tỉ USD, với lợi nhuận trải rộng trên nhiều địa hạt, từ thương mại điện tử, sản xuất phim Hollywood cho đến điện toán đám mây và thanh toán trực tuyến.
[VIDEO] Jack Ma chưa nghỉ hưu, lên kế hoạch xây dựng đội ngũ kế thừa
|
“Có rất nhiều điều tôi có thể học hỏi từ Bill Gates. Tôi sẽ không bao giờ giàu có như ông ấy, nhưng có một điều tôi có khả năng làm tốt hơn đó là nghỉ hưu sớm hơn. Tôi nghĩ một ngày nào đó, và có lẽ sẽ chẳng lâu nữa đâu, tôi sẽ quay lại giảng dạy. Đây là công việc mà tôi nghĩ tôi có thể làm tốt hơn rất nhiều so với việc trở thành tổng giám đốc điều hành của Alibaba”, ông Ma nói và cho biết: "Tôi đã chuẩn bị cho một quỹ gọi là Jack Ma Foundation. Tất cả những điều này đã được tôi chuẩn bị suốt 10 năm qua”.
Nhờ những giao dịch sáng suốt và một khoản đầu tư từ tập đoàn viễn thông đa quốc gia của Nhật Bản SoftBank Group, Alibaba đã biến thành “gã khổng lồ” thương mại điện tử. Số hàng vận chuyển trong năm ngoái của hãng này lên tới 55 triệu gói một ngày. Alibaba hiện cũng kiểm soát Ant Financial, nền tảng tài chính trực tuyến vận hành hệ thống thanh toán di động lớn nhất Trung Quốc Alipay, với hơn 870 triệu người dùng.
Mong muốn tập trung vào giáo dục không phải là điều khiến những người thường xuyên theo dõi thông tin về vị tỉ phú vừa bước qua tuổi 54 ngạc nhiên. Trong những buổi gặp gỡ công chúng, không ít lần Jack Ma nói về tầm quan trọng của giáo dục đối với bản thân ông và kể về một số thiếu sót khi ông còn là học sinh, kể cả việc ông đã từng hai lần thất bại trong kỳ thi đại học.
“Tôi vốn không được coi là một học sinh giỏi nhưng tôi đã cố gắng cải thiện. Tôi muốn dành phần lớn thời gian của tôi cho việc học hỏi”, ông Ma nói.
Trong suốt thời gian làm chủ tịch Alibaba, Jack Ma đã giúp công ty tăng trưởng ở cả trong và ngoài nước, đồng thời là mũi nhọn thúc đẩy hoạt động IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Alibaba năm 2014. Jack Ma cũng là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông mới nhậm chức.
Jack Ma đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ công chúng khi ông là một trong những khách mời được tìm kiếm nhiều nhất cho các hội nghị trên khắp thế giới, ngay cả khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang. Tuy nhiên, vị tỉ phú này đã từng chia sẻ rằng ông không cảm thấy hạnh phúc khi trở thành người giàu nhất Trung Quốc, nơi sự giàu có cá nhân chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây và phải chịu sự giám sát chặt chẽ.
Song, có lẽ vì ý thức được lợi thế của một người có sức ảnh hưởng nhất định, người đã từng có cơ hội gặp gỡ nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Jack Ma hy vọng hoạt động từ thiện của ông sẽ là cây cầu thu hẹp khoảng cách của sự phân chia, mâu thuẫn.
“Một điểm chung giữa người Mỹ và người Trung Quốc là chúng ta đều có trái tim của tình yêu và sự tôn trọng. Đây là ngôn ngữ chung mà chúng ta có. Cuộc cách mạng công nghệ đầu tiên đã gây ra Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Cuộc cách mạng công nghệ lần hai đã gây ra Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bây giờ chúng ta đang ở trong cuộc cách mạng công nghệ thứ ba, vậy điều gì sẽ xảy ra? Nếu có chiến tranh, nó nên là cuộc chiến chống đói nghèo, bệnh tật…”, ông Ma nói.
Khi được hỏi về tương lai của một Alibaba không còn Jack Ma, cha đẻ của hãng thương mại điện tử này đã trả lời rất lạc quan: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ của mình và cơ cấu đối tác. Đó là một hệ thống mà tôi nghĩ rằng có thể giúp công ty tồn tại lâu dài”.
Bình luận (0)