Nghệ thuật dẫn dắt bi kịch
Lấy bối cảnh thành phố Gotham đang chìm trong bóng tối bạo lực và sự phân tầng giai cấp, Joker xoay quanh cuộc đời của gã hề xiếc Arthur Fleck. Câu chuyện của chàng hề tưởng chừng đơn giản nhưng nhanh chóng trở thành một trong những “biểu tượng” nguy hiểm nhất lịch sử.
Xuyên suốt nhịp phim, khán giả lần lượt trải nghiệm bi kịch của nam chính được phát triển tăng tiến một cách dồn nén và căng thẳng. Bị mất trợ cấp xã hội, mất việc, đánh đập trên phố… đã góp phần làm bệ phóng cho sự nổi loạn và man rợ của Arthur Fleck. Đỉnh điểm của sự việc dâng trào khi anh bị 3 người đàn ông được cho là thuộc giới thượng lưu hành hung trên tàu điện. Gần như toàn bộ phân cảnh trong phim được xây dựng trong bối cảnh cũ kỹ với gam màu đen tối, trầm buồn, góp phần phản ánh đời sống thiếu thốn của những người thuộc giai cấp như Joker.
|
Tên hề lương thiện phát hiện ra mình là đứa con rơi, được nhận về từ một bà mẹ điên loạn và ảo tưởng. Hành trình khám phá sự thật về nguồn cội đã đưa Arthur Fleck trở thành Joker, sát nhân mặt hề. Đặc biệt, chuỗi tình tiết được sắp xếp đầy chủ ý. Song song với các sự kiện đổ vỡ, Joker vẫn được cài cắm ít ỏi các yếu tố gieo nên hạnh phúc của nam chính. Tuy nhiên, chúng được kết nối hết sức mỏng manh và nhanh chóng bị đạp đổ bởi những cú plot twist (việc thay đổi tình tiết một cách bất ngờ). Điển hình, chi tiết bạn gái Joker tỏ ra sợ hãi trước ngoại hình của mình, người mẹ kính yêu bấy lâu trở thành kẻ lừa dối, và cả danh hài Murray Franklin mà gã thần tượng cũng quay lại đùa cợt và sỉ vả…
Đi liền với chuỗi bi kịch của Arthur Fleck chính là khẩu súng lục, tín vật mang danh tội ác của thành phố Gotham mục rỗng. Thời khắc người đồng nghiệp Randall trao cho gã hề khẩu súng như món quà tự vệ đã gieo nên hạt giống tội ác. Khi con người lâm vào đường cùng, khẩu súng được ban phát như một ân huệ cho sự vùng lên. Joker hiểu được rằng, việc giết 3 kẻ đàn ông trên tàu điện chính là sự phản kháng bất khả. Tuy nhiên, điều đó lại đánh thức sự giận dữ bên trong một tên hề với niềm vui giết chóc mãnh liệt. Diễn xuất của Joaquin Phoenix không có gì bàn cãi, tài tử đã giảm 23kg để đạt được ngoại hình gầy gò, trơ xương trong một số phân cảnh bán khỏa thân. Đáng chú ý, nam diễn viên gây ấn tượng với nhiều tình tiết nội tâm sâu sắc cùng điệu cười man rợ và đầy đau khổ. Chi tiết căn bệnh bật cười không kiểm soát là điểm nhấn đặc biệt làm nên sự dồn nét trong phong cách diễn xuất của nam chính. Dáng đi kỳ quặc, những điệu nhảy bức bối, phục trang nhếch nhác… trở thành dấu ấn của một nhân vật phản diện có sức ám ảnh.
Biểu tượng đầy tranh cãi
Nhìn chung, tất cả dụng ý của đạo diễn Todd Phillips được sắp xếp tinh vi và diễn biến theo trình tự tâm lý thông thường nên khiến người xem tìm thấy sự đồng cảm. Khán giả chấp nhận hành vi của Joker như một điều thuận tự nhiên trước hàng loạt sự bất kham trong xã hội. Joe Morgenstern của Wall Street Journall cho rằng thủ thuật trên được gọi là “khả năng thao túng không ngừng của bộ phim”.
Đáng chú ý, sự sống của bộ phim không dừng lại ở việc ủng hộ, mà nó mở ra một cuộc tranh luận gay gắt về đạo đức và thổi bùng ngọn lửa của các cuộc chiến văn hóa. Giới truyền thông theo đó cũng chia rẽ thành nhiều luồng ý kiến.
Nhà phê bình Peter Bradshaw của tờ The Guardian nhận xét Joker là ''sự thất vọng lớn nhất trong năm nay'’. Ông tuyên bố rằng chân dung của nam chính Joaquin Phoenix có thể có sức ảnh hưởng tương tự với Heath Ledger, diễn viên quá cố từng đảm nhận vai Joker trong The Dark Knight (2008). Tuy nhiên, câu chuyện trong tác phẩm lần này “gây mất hứng” sau khi Joker chộp lấy cơ hội trong “cuộc trả thù đẫm máu” ở phần cuối. Nhà phê bình cho rằng cách xử lý đoạn kết “tẻ nhạt và gượng ép với loạt giả định cổ động cho phong trào chống tư bản, những thành phần giàu có trong xã hội”.
Cùng quan điểm với Peter Bradshaw, Dana Stevens của tờ Slate bày tỏ bộ phim rất khó xem, không phải vì tính chất bạo lực mà vì “ngột ngạt và buồn chán”. Ngoài ra, cây bút của tạp chí điện tử Slate còn gay gắt đề nghị khán giả “bỏ qua” Joker để ủng hộ các tác phẩm khác vì sự cường điệu quá mức thời điểm trước khi phát hành.
|
Trong khi đó, Glen Weldon của trang National Public Radio lại cho rằng Joker là tác phẩm về “kẻ giả mạo vĩ đại nhất” của đạo diễn Todd Phillips. Cụ thể, tác giả này chỉ ra rằng bộ phim đang “lột bỏ tất cả các bí ẩn” từ nhân vật phản diện đình đám này. Bộ phim đi vào lý giải và khai thác chiều sâu, những động cơ biến Joker thành “cỗ máy bạo lực” khét tiếng trong lịch sử điện ảnh. Đáng chú, Glen Weldon nhấn mạnh luận điểm: “Mọi sự biến đổi của nhân vật không phải là một lựa chọn, đó là điều mà thế giới tác động đến anh ấy”.
Song, cây bút A.O. Scott của New York Times cho rằng bộ phim “đang khuấy động một cuộc tranh luận gay gắt, nhưng nó chưa đủ thú vị”. Cụ thể, cây bút này cho rằng Joker tập trung vào các phân cảnh mô tả ngoại hình của gã hề điên loạn nhưng mang lại “hiệu quả kém” và “tô điểm cho một nhân vật là một khuôn khổ trống rỗng trong tất cả các lần xuất hiện vì sợ khán giả mục tiêu cảm thấy nhàm chán”.
Đồng quan điểm với làn sóng trái chiều về Joker, Joe Hagan của Vanity Fair đã viết rằng bộ phim mang tính "tuyên truyền một cách vô trách nhiệm", và đưa ra lời biện minh cho các sự kiện bạo lực hàng loạt trong lịch sử. Theo đó, trang này cũng nhắm vào những bất lợi mà bộ phim mang đến. Cảnh sát New York và Los Angeles thắt chặt an ninh trong thời gian gần đây nhằm tránh làn sóng bạo loạn như sự kiện năm 2012 ở Aurora.
Mặc dù chịu nhiều điều tiếng từ cả khán giả và giới truyền thông, Joker vẫn xuất sắc bỏ túi hơn 93,5 triệu USD sau 3 ngày phát hành. Thành tích khởi đầu này cũng đưa Joker trở thành bộ phim có doanh thu tuần đầu cao thứ 4 trong số các tác phẩm dán nhãn R từng ra mắt tại phòng vé Bắc Mỹ. Trên các trang bình phim hàng đầu, “con cưng” của Todd Phillips nhận được đánh giá rất tích cực. Cụ thể, bộ phim đạt thang điểm 9/10 từ trang IMDb và 90% lượt yêu thích của khán giả trên Rotten Tomatoes.
Bình luận (0)