Kay Nguyễn: ‘Tôi có niềm tin khán giả ra rạp vẫn thích xem phim nói tiếng Việt’

10/02/2021 16:16 GMT+7

Được đào tạo điện ảnh bài bản tại Mỹ, nhưng Kay Nguyễn (tên thật Nguyễn Lê Phương Khanh) thừa nhận, học làm phim trong trường học ở bất cứ đâu, ngay cả Mỹ, cũng nhanh chóng bị lạc hậu.

“Muốn làm phim hay chỉ có lao vào làm, va đập, nhặt nhạnh đau thương, rồi mới vỡ ra”, Kay Nguyễn nói.

Kay Nguyễn “đóng” nhiều vai trong các dự án điện ảnh: nhà sản xuất, đạo diễn, nhà biên kịch, nhưng cái “gốc” đi ra của chị là biên kịch. Chị đã tham gia viết kịch bản 3 bộ phim Cô ba Sài Gòn, Hai Phượng (cùng với Nguyễn Trường Nhân), Mắt biếc (cùng với Triệu Hoàng My và Trương Thúy Hằng) cũng là 3 tác phẩm được lựa chọn đại diện cho điện ảnh Việt tham dự tranh giải Oscar trong 3 năm liên tiếp 2018, 2019 và 2020.

Kay Nguyễn cũng là người đồng sáng lập nhóm biên kịch A Type Machine tham gia hàng loạt dự án phim ăn khách, hợp tác cùng những cái tên như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Ngô Thanh Vân...

Chị có thể chia sẻ về nhóm A Type Machine?

- Nhà biên kịch Kay Nguyễn: Nhóm gồm có tôi, một bạn ở Mỹ (Tilo Nguyễn) và một số bạn khác. Nhóm nòng cốt có tổng cộng 8 người, ngoài ra còn có nhiều bạn hợp tác xung quanh. Bọn mình hoạt động trong ngành ý tưởng, nên hợp tác với nhiều bên.

Kay-Nguyen

Kay Nguyễn và người bạn thân Tilo Nguyễn cùng sáng lập A Type Machine

Ảnh NVCC

Tụi mình hay có hoạt động cộng đồng miễn phí trên trang Facebook lấy tên nhóm luôn. Lâu lâu, mình chủ trì những lớp kịch bản nho nhỏ trên đó, hay nhờ mấy bạn dịch sách kịch bản, bây giờ có nhiều thứ cứ đọc sách là biết…

Chị nghĩ sao về ý kiến việc thiếu kịch bản hay hiện nay là do thiếu nhà biên kịch giỏi?

Thiếu kịch bản hay do nhiều yếu tố lắm, như đào tạo, kiểm duyệt, hay chưa có nhà sản xuất giỏi... Trong nhiều trường hợp, biên kịch chỉ giỏi khi có đạo diễn giỏi, nhà sản xuất giỏi cho phép họ giỏi thôi. Bên cạnh đó, việc làm phim có theo đúng như kịch bản không cũng liên quan đến cả kinh phí nữa. Nhiều người cứ “đổ” cho là biên kịch ngô nghê, nhưng cũng phải nhìn đi nhìn lại vì có nhiều vấn đề. 

Nhưng rõ ràng là lực lượng nhà biên kịch chuyên nghiệp tại Việt Nam vẫn còn mỏng?

Cũng đúng, nhưng rồi sẽ đến lúc thị trường tự điều chỉnh, tức là khi thị trường cần thì nhà biên kịch giỏi sẽ xuất hiện, nhà sản xuất giỏi đánh giá được kịch bản hay, đạo diễn giỏi xử lý được đề tài… Còn quan điểm của tôi là mình cứ túc tắc làm thì dễ thành công hơn là ngôi ca thán, hay bi quan.

Vậy còn nguyên nhân ở việc đào tạo nhà biên kịch trong nước?

Thực ra, không chỉ có ở Việt Nam đâu, mà ngay cả ở Mỹ, việc đào tạo luôn bị lạc hậu so với thực tế. Việc làm phim là luôn luôn cập nhật, nên nhiều cái học mình học ở trong trường sẽ luôn bị ở trong tình trạng lạc hậu. Muốn làm phim hay chỉ có lao vào làm, va đập, nhặt nhạnh đau thương, rồi mới vỡ ra.

Cuối cùng là thu nhập với một nhà biên kịch có phải còn thấp?

Có những điều khoản hợp đồng nên tôi khó có thể chia sẻ về mức thù lao được. Nhưng có thể nói thế này, mức thù lao trả cho biên kịch rất cách biệt nhau. Việc này cũng giống như ở Hollywood hay nhiều nơi khác thôi.

Có những cái giá thấp “trời ơi đất hỡi”, nghe thấy hết hồn, chất xám và công sức của nhà biên kịch bỏ ra mà chỉ được bây nhiêu đó, nhưng sẽ có những cái giá làm cho người ta bất ngờ, xứng đáng với thời gian công sức của bao nhiêu con người xúm vào. Mức thù lao được trả cho nhà biên kịch theo trình độ, hay khoảng thời gian họ vào nghề…

Ngành này chắc cũng như những ngày sáng tạo khác, chẳng hạn, ca sĩ ở hàng “top” thì chỉ nhận show lớn, họ có nhiều thời gian dành cho sáng tạo, tạo ra những sản phẩm hay, còn những ca sĩ ở hàng dưới thì phải chạy nhiều show, bào sức để sống.

Tôi vẫn muốn nhắc lại là, tôi tin vào việc thị trường sẽ tự điều chỉnh, cũng như có niềm tin khán giả ra rạp vẫn thích xem phim nói tiếng Việt, vẫn có nhà làm phim có tâm, muốn đưa ra những sản phẩm tốt nhất.

Làm phim thị trường nhắm đến tiền là đương nhiên nhưng cùng với đó, làm phim khác với những ngành khác là mình bán đi một phần của mình khi mình sáng tạo ra. Sự thỏa mãn đến từ việc sáng tạo đã hơn bất kỳ phần thưởng nào. Sự sáng tạo cũng giống như gieo hạt giống xuống dưới đất. Đất có thể cằn khô, nhưng hạt giống đó nếu đầy sự mạnh mẽ thì nó cũng sẽ tìm cách nào đó, tìm ra con đường nào đó để vươn lên mặt đất và nảy mầm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.