Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học: Dễ hay khó?

Ngọc An
Ngọc An
12/01/2021 06:13 GMT+7

Bộ phim Cậu Vàng vừa ra mắt không phải là phim điện ảnh chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đầu tiên gây ra những ý kiến khen chê trái chiều.

Tranh cãi và áp lực

Kịch bản Cậu Vàng được cố NSND Bùi Cường viết, lấy cảm hứng từ nhiều truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, trong đó các nhân vật như lão Hạc, Bá Kiến, Binh Tư, vợ chồng ông giáo Thứ… được tập hợp từ nhiều tác phẩm khác nhau. Phim do đạo diễn Trần Vũ Thủy - con rể cố NSND Bùi Cường, thực hiện để tưởng nhớ ông. Chỉ sau vài ngày phát hành chính thức, phim Cậu Vàng nhận được những ý kiến khen chê khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng phim Cậu Vàng ngô nghê, không phản ánh đúng tinh thần, thậm chí “xúc phạm” nguyên tác của nhà văn Nam Cao. Trong khi, luồng ý kiến khác lại cho rằng Cậu Vàng có những điểm đáng khen như đưa vào tinh thần tươi mới.
Bên cạnh bộ phim Cậu Vàng vừa ra mắt, một số dự án phim chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đang được thực hiện, trong đó có thể kể đến dự án phim Kiều dựa trên Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, kịch bản của NSƯT Phi Tiến Sơn, đạo diễn Mai Thu Huyền. Dự án phim Kiều được Mai Thu Huyền ấp ủ suốt 10 năm, dự kiến ra mắt vào tháng 3.2021. Ngay khi teaser (những hình ảnh quảng cáo đầu tiên) của bộ phim được hé lộ, đã dẫn tới nhiều ý kiến tranh luận, chẳng hạn về việc sử dụng chữ quốc ngữ (thay cho chữ Nôm) không phù hợp với thời gian và bối cảnh của Truyện Kiều trong phim.
Không chỉ dễ vấp phải những tranh cãi trái chiều cùng sự so sánh với nguyên tác văn học, những bộ phim chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học còn khiến người thực hiện dễ thấy áp lực. Mắt biếc - bộ phim được chọn đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự vòng sơ loại giải Oscar 2021, cũng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. “Tiểu thuyết Mắt biếc đã ra mắt từ 30 năm trước. Khi chuyển thể tiểu thuyết thành phim, với tôi, có nhiều áp lực. Bởi đó là tác phẩm văn học đã quá quen thuộc với nhiều người, mình không biết khán giả sẽ đón nhận phiên bản điện ảnh thế nào”, Kay Nguyễn - đồng biên kịch của phim Mắt biếc, nói. Trong khi đó, với đạo diễn Lương Đình Dũng, người đang thực hiện bộ phim hành động 578, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của chính mình, cái khó nằm ở chỗ: “Việc mô tả trong văn học có phần đơn giản hơn điện ảnh. Chẳng hạn chỉ khoảng 1/3 trang sách nhưng khi đưa lên màn ảnh phải mất tới cả tuần mà vẫn không xong, thậm chí có khi là bất khả thi”.
Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học: Dễ hay khó?1

Hình ảnh trong phim Cậu Vàng lấy cảm hứng từ nhiều truyện ngắn của nhà văn Nam Cao vừa ra mắt

ẢNH: ĐPCC

Cần có dấu ấn sáng tạo riêng

Khi một tác phẩm văn học đã trở thành kiệt tác, hoặc được chứng nhận bởi thời gian, tức là có nhiều giá trị và tất nhiên hấp dẫn nhiều nhà làm phim

Nhà biên kịch Kay Nguyễn

Không phải tác giả tác phẩm văn học nào cũng thích việc nhà biên kịch thay đổi nội dung tác phẩm của mình để đưa lên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, mỗi tác phẩm ở mỗi loại hình nghệ thuật đều có đời sống riêng và cần có những dấu ấn sáng tạo riêng. Nhà biên kịch Kay Nguyễn kể, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tin tưởng để cho đạo diễn Victor Vũ và những thành viên của nhóm A Type Machine (ngoài Kay Nguyễn, còn có Triệu Hoàng My và Trương Thúy Hằng) toàn quyền chuyển thể. Kay Nguyễn nhìn nhận công việc chuyển thể “luôn luôn khó”, mà điều cần ở một nhà biên kịch là “phải có chính kiến riêng” để đặt dấu ấn sáng tạo riêng. “Thời này nội dung về “what” (cái gì) đã cũ lắm rồi, vì mọi người biết hết cả rồi, mà cái cần là “how” (như thế nào) thôi!”, chị nói và lấy ví dụ về việc kịch bản của Mắt biếc được chỉnh so với nguyên tác văn học, trong đó có đoạn kết khi Hà Lan chạy theo Ngạn cho thấy cô nhận ra mình đã sai, hay việc giải thích rõ hơn về nhiều nhân vật, cũng như động cơ của họ.
Nói về xu hướng chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học sang điện ảnh, nhà biên kịch Kay Nguyễn nhìn nhận đó là điều tất yếu từ xưa đến nay. “Khi một tác phẩm văn học đã trở thành kiệt tác, hoặc được chứng nhận bởi thời gian, tức là có nhiều giá trị và tất nhiên hấp dẫn nhiều nhà làm phim. Việc viết kịch bản vừa có ý của mình, vừa vẫn giữ được những giá trị của tác phẩm lớn giống như bài toán mà nhiều nhà biên kịch như tôi thích được giải”, Kay Nguyễn nói. Còn về mặt thị trường, nhà biên kịch Kay Nguyễn phân tích việc thực hiện bộ phim dựa theo tác phẩm văn học nổi tiếng có nhiều lợi thế. “Với cuộc chiến ra rạp khốc liệt như hiện nay, thì có khả năng chủ rạp chỉ cần thấy phim dựa theo tác phẩm quen thuộc là đã có thể dễ dàng xếp nhiều suất chiếu”, chị nói.
Đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định việc làm phim chuyển thể từ tác phẩm khác đã giúp giảm công sức lớn vì đã có câu chuyện sẵn, tuy nhiên, công việc này vẫn đòi hỏi sự sáng tạo cao. “Chẳng thế mà Oscar còn trao hẳn giải thưởng cho kịch bản chuyển thể”, anh nói. Tuy nhiên theo đạo diễn Lương Đình Dũng, không nên coi việc chuyển thể kịch bản từ những tác phẩm nổi tiếng là giải pháp cốt yếu cho việc thiếu kịch bản chất lượng của điện ảnh Việt hiện nay. “Ở thời điểm nào cũng nên có cả việc chuyển thể và việc sáng tác kịch bản mới”, anh nói. Bên cạnh đó, anh cho rằng một nền điện ảnh đương đại không chỉ được khắc họa với những bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học của thời kỳ trước mà cần có cả thời nay. “Một tác phẩm văn học mang bối cảnh, hơi thở đời sống của thời điểm tác phẩm ra đời. Trong khi đời sống bây giờ có hơi thở hiện đại riêng”, đạo diễn Lương Đình Dũng lý giải. Anh cũng cho biết dự án phim kinh dị Mật mã 45 đang chuẩn bị thực hiện dựa theo tiểu thuyết mà anh mới viết trong giai đoạn 2018 - 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.