Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan |
reuters |
The Guardian ngày 14.9 đưa tin Kazakhstan đang chuẩn bị lần nữa đổi tên thủ đô của nước này. Theo đó, thủ đô của Kazakhstan sẽ được đổi trở về tên cũ Astana sau 3 năm mang tên Nur-Sultan.
Ông Ruslan Zheliban, người phát ngôn của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan, ngày 13.9 cho biết tổng thống đã đồng ý việc đổi tên theo sáng kiến của một nhóm nghị sĩ.
Theo ông Zheliban, tu chính án về việc khôi phục tên gọi trước đây của thủ đô đã được các nhà lập pháp đưa vào dự thảo luật "với sự chấp thuận của tổng thống".
Một trong những động thái đầu tiên ông Tokayev thực hiện sau khi nhậm chức năm 2019 là đổi tên thủ đô Astana của Kazakhstan thành Nur-Sultan để vinh danh người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev.
Ông Nazarbayev đã lãnh đạo đất nước trong ba thập niên dưới thời Liên Xô. Sau khi Kazakhstan độc lập vào năm 1991, ông Nazarbayev vào năm 1997 đã dời thủ đô từ Almaty đến Astana. Động thái này gây tranh cãi vì Astana vốn cách xa và có mùa đông nổi tiếng là lạnh giá với nhiệt độ có khi giảm xuống đến mức -51 độ C.
Ông Nazarbayev đã biến thành phố Astana trở thành nơi có các kiến trúc cầu kỳ, bao gồm cả một tháp quan sát.
Sau khi từ chức, Nazarbayev vẫn có tầm ảnh hưởng to lớn khi là người đứng đầu đảng cầm quyền và hội đồng an ninh quốc gia. Tuy nhiên, sau tình trạng bất ổn hồi tháng 1 một phần do sự bất mãn với quyền lực mà ông Nazarbayev vẫn nắm giữ, Tổng thống Tokayev đã loại người tiền nhiệm khỏi các vị trí này. Vụ việc đã chấm dứt tầm ảnh hưởng kéo dài ba thập niên của ông Nazarbayev đối với quốc gia giàu có ở Trung Á.
Cuộc bạo loạn hồi tháng 1 bắt nguồn từ các cuộc biểu tình ôn hòa về việc giá nhiên liệu ô tô tăng vọt. Tình trạng bạo lực khiến hơn 230 người thiệt mạng và khiến nhà chức trách phải kêu gọi khối an ninh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu triển khai lực lượng để hỗ trợ việc tái lập trật tự.
Vào tháng 6, người dân Kazakhstan đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý cho việc thực hiện những thay đổi hiến pháp.
Bình luận