Kế hoạch dùng 520 quả bom hạt nhân đào tuyến mới thay kênh Suez

Khánh An
Khánh An
29/03/2021 16:08 GMT+7

Tài liệu giải mật cho thấy Mỹ từng có kế hoạch đào một tuyến thay thế kênh đào Suez bằng… 520 quả bom hạt nhân.

Sự cố tàu container khổng lồ Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez từ ngày 23.3 và kéo dài suốt nhiều ngày sau đó, gây ảnh hưởng nặng nề đến thương mại đường thủy và cho thấy ý nghĩa trọng yếu của tuyến đường thủy kết nối Âu - Á đối với giao thương quốc tế.
Thực ra, tầm quan trọng của kênh đào Suez đã được nhận thức rõ và chính quyền Mỹ từng có kế hoạch đào thêm một con kênh cách đó không xa, nhằm mở thêm tuyến đường thủy phục vụ nhu cầu tàu thuyền, cũng như đề phòng những sự cố như vừa xảy ra tại kênh đào Suez.

Đi qua sa mạc, Biển Chết

Trang Business Insider dẫn tài liệu ghi chép vào năm 1963 và được giải mật năm 1996 cho thấy kế hoạch tập trung vào việc dùng bom hạt nhân để đào tuyến kênh đi qua lãnh thổ Israel.
Theo đó, tuyến kênh sẽ đi qua Biển Chết và sa mạc Negev và đề xuất “ứng dụng thú vị của việc dùng năng lượng hạt nhân để đào tuyến kênh cấp độ biển dài 160 dặm (257,5 km) xuyên qua Israel”.

Tàu Ever Given dài 400 m chắn ngang kênh đào Suez

Ảnh: AFP

Các phương pháp đào truyền thống quá tốn kém và dường như những vụ nổ hạt nhân có thể ứng dụng với lợi ích lớn trong trường hợp này, tài liệu phân tích.
Giới chức Mỹ khi đó còn nói thêm rằng tuyến kênh như thế sẽ là sự thay thế chiến lược có giá trị cao thay cho kênh đào Suez, và sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế.

Vì sao kênh đào Suez lại quan trọng đến vậy?

520 quả bom hạt nhân

Kế hoạch ước tính dùng 4 quả bom 2 megaton trên mỗi chặng dài 1 dặm, nên ước tính toàn tuyến kênh sẽ cần 520 quả bom hạt nhân với sức nổ 1,04 gigaton.
Tuyến kênh dự định sẽ từ Địa Trung Hải đi qua sa mạc Negev đến vịnh Aqaba, trước khi kết nối với Hồng Hải và Ấn Độ Dương.
Trong đó có khoảng 210 km là khu vực sa mạc hoang vu nên dễ thực hiện biện pháp đào bằng bom hạt nhân. Khảo sát ban đầu cho thấy việc dùng bom để đào kênh qua Israel “dường như nằm trong khả năng công nghệ hiện có”.
Tuy nhiên, tài liệu thừa nhận một vấn đề là “sự khả thi về mặt chính trị, vì có thể các nước Ả Rập quanh Israel sẽ cực lực phản đối việc đào một tuyến kênh như thế”.
Theo tạp chí Forbes, Ủy ban Năng lượng nguyên tử Mỹ (AEC) cũng từng cân nhắc dùng “những vụ nổ hạt nhân hòa bình” (PNE) trong các dự án xây dựng. Thậm chí còn có kế hoạch đào một tuyến kênh ở Trung Mỹ bằng biện pháp này.
Tuy nhiên, dự án PNE vẫn chưa được thực thi, sau khi Mỹ thử nghiệm 27 lần và nhận thấy mức độ phóng xạ ảnh hưởng nặng nề. AEC cũng giải thể vào năm 1974.
Tuyến hàng hải chiến lược
Dự án kênh đào Suez được triển khai từ năm 1859-1869 dưới sự chỉ huy của kỹ sư người Pháp Ferdinand de Lesseps, với sự tài trợ từ chính phủ Pháp và Ai Cập. Tuy nhiên, Ai Cập mất kiểm soát sau khi tình trạng nợ của chính phủ khiến nước này phải bán cổ phần trong công ty quản lý kênh cho Anh vào năm 1875.
Vào năm 1956, khi hợp đồng thuê 99 năm hết hạn, Tổng thống Ai Cập Gamel abd al-Nasser quốc hữu hoá kênh và ý định xây dựng một căn cứ quân sự ở dọc kênh. Hành động này của Ai Cập được hậu thuẫn bởi Liên Xô và đã gây lo ngại sâu sắc cho Mỹ, Anh, Pháp và Israel gây nên cuộc Khủng hoảng kênh đào Suez.
Ngày 29.10.1956, Israel tấn công bán đảo Sinai và dải Gaza để trả đũa. Năm 1957, Liên Hiệp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới đây để bảo đảm tính trung lập của kênh. Kênh đào Suez bị đóng cửa một lần duy nhất từ 1967 tới 1975 trong cuộc Chiến tranh Ả Rập - Israel. Theo tờ The Conversation, kênh đào Suez là cửa ngõ từ châu Âu đi châu Á và phục vụ hơn 19.000 lượt tàu vào năm 2019, tương đương khoảng 1,25 tỉ tấn hàng hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.