Khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt 27,4 điểm các môn khối B (toán 9,4; hóa 8,75; sinh 9,25), cả Nhung và bố mẹ đều nở nụ cười vui vẻ, nhưng đằng sau nụ cười ấy là một kế hoạch thấm đẫm nước mắt.
Dù gia cảnh khó khăn, nhưng suốt 12 năm học, Nhung luôn là học sinh giỏi và tiên tiến. Cô nữ sinh của Trường THPT Quảng Xương 1 (H.Quảng Xương, Thanh Hóa) vừa đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhưng con đường vào giảng đường đại học của em đang đầy gian nan phía trước.
|
Căn nhà 2 gian lợp mái bằng tôn nằm nép mình trong con ngõ cụt ở thôn Thượng Đình 1 (xã Quảng Định, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) là nơi ở của 5 người trong gia đình em Nhung.
Ngoài bố mẹ, Nhung còn có anh trai đang đi bộ đội và em trai học lớp 8. Cả gia đình sống trong căn nhà lợp mái tôn chật hẹp xây trên phần đất ông cha để lại.
Cưới nhau rồi sinh được 3 người con, anh Đoàn Văn Vũ (40 tuổi) và chị Hà Thị Tuyết (43 tuổi, bố mẹ Nhung) dù tần tảo sớm hôm với 1 sào đất trồng lúa và thuê 3 sào đất trồng thuốc lào nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống.
Sớm hôm bám vào đồng ruộng nhưng chẳng đủ ăn nên vợ chồng anh Vũ thường xuyên đi làm thuê, từ việc cấy lúa thuê cho đến phụ hồ, khoan cắt bê tông… cứ ở đâu có việc là làm. Từ đầu năm đến nay, anh Vũ còn phải xa nhà đến tận tỉnh Bắc Ninh làm thuê, có tháng kiếm được 4 - 5 triệu đồng, có tháng mưa gió, ít việc chỉ bỏ túi được 2 - 3 triệu đồng.
|
Khoảng 5 năm nay, mọi chi phí trong gia đình chỉ trông chờ vào đôi vai của anh Vũ, bởi chị Tuyết bị đau ốm triền miên vì bệnh thoái hóa xương khớp, đau dạ dày. Gia đình anh Vũ nhiều năm nay thuộc diện hộ nghèo của xã, từ năm 2020 là hộ cận nghèo.
Hay tin con gái đạt điểm cao, anh Vũ nghỉ làm từ Bắc Ninh về nhà động viên và chuẩn bị cho con vào đại học. Dù nở nụ cười mừng cho đứa con ngoan, học giỏi đạt kết quả cao, nhưng ẩn chứa đằng sau đó là nỗi trăn trở "tiền đâu ra cho con theo học đại học", trong khi vợ anh thường xuyên đau ốm, đứa con thứ 3 mới vào lớp 8.
Một kế hoạch thấm đẫm nước mắt đã được Nhung cùng bố mẹ vạch ra và thống nhất: Nhung từ bỏ học ngành y như ước muốn vì lo lắng thời gian học y khoa kéo dài, tốn tiền, mà sẽ theo học ngành kinh tế đầu tư tại Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội). Nhưng chỉ học 1 năm đầu để đủ điều kiện bảo lưu kết quả, sau đó, Nhung sẽ đi làm thuê ở Hà Nội, khi nào tích góp được tiền sẽ tiếp tục đi học lại để đỡ gánh nặng cho bố mẹ.
“Hôm rồi vừa biết điểm xong, em có xin mẹ tranh thủ khi chưa đi nhập học thì đi làm thuê đâu đó kiếm được đồng nào hay đồng đó, nhưng bố gọi điện về bảo nghỉ ngơi cho khỏe rồi còn đi học, nhỡ ốm ra đó thì khổ.
Vì thế em lại ở nhà. Em biết bố mẹ muốn em đi học tiếp, nhưng nhà nghèo quá, mẹ lại đau ốm nên em nảy ra kế hoạch sẽ đi học 1 năm đầu cho đủ điều kiện bảo lưu kết quả, rồi đi làm thuê. Khi nào tích góp được ít tiền đỡ đần cho bố mẹ, em sẽ tiếp tục theo học”, em Nhung nói.
|
Ngồi cạnh đứa con gái chăm ngoan, học giỏi, dù mong muốn con sau này có công ăn việc làm ổn định, không còn khổ như đời bố mẹ, nhưng anh Vũ liên tục vò đầu, trăn trở.
“Dù khó khăn mấy tôi cũng cho cháu đi học đại học chứ. Ước mơ của nó mà, với lại nó học sáng nhất nhà, sau này chắc sẽ có việc làm, có lương thôi. Thằng đầu thì đi lính nghĩa vụ, giờ không phải nuôi nó nữa, còn thằng cu thứ 3 thôi.
Kể vợ tôi không đau ốm liên miên thì hai vợ chồng đi làm thuê cũng không đến nỗi vất vả lắm. Thôi đành theo ý của cháu nó, đi học năm đầu rồi bảo lưu kết quả để đi làm thuê, sau này có tiền lại đi học tiếp. Không lo”, anh Vũ nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 12T2 Trường THPT Quảng Xương 1 (lớp Nhung theo học), cho biết Nhung là học trò ngoan, dù gia cảnh khó khăn nhưng rất nỗ lực học tập.
“Nhung tuy không phải học sinh nằm trong top đầu của trường, nhưng là học sinh rất cố gắng học tập, nhất là thời gian cuối cấp. Tôi cũng trực tiếp dạy môn hóa, nên nhận thấy Nhung khi tiếp nhận kiến thức thì rất chắc chắn, vì thế, kết quả thi tốt nghiệp của em đạt điểm cao.
Khi Nhung còn học ở trường, hoàn cảnh gia đình khó khăn thì thầy cô và bạn bè còn động viên, giúp đỡ được. Giờ chỉ mong sao em ấy tiếp tục theo học trọn vẹn đại học, để có công ăn việc làm ổn định giúp đỡ gia đình”, cô giáo Hải nói.
Dù gia cảnh khó khăn, nhưng Nhung đã không chùn bước. Mong sao kế hoạch của Nhung cùng gia đình sẽ suôn sẻ, để ước mơ học đại học và có công ăn việc làm ổn định của nữ sinh nghèo này trở thành hiện thực.
Bình luận (0)