Kenya đề nghị khất nợ Trung Quốc, muốn mượn thêm 1 tỉ USD

Khánh Như
Khánh Như
09/10/2023 08:39 GMT+7

Kenya đang cần tiền để hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng còn dang dở sau khi Trung Quốc đột ngột cắt tài trợ.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng này, Tổng thống Kenya William Ruto có kế hoạch kêu gọi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cấp thêm 1 tỉ USD (24.400 tỉ đồng) để hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng đang bị đình trệ.

Ngoài ra, theo tờ South China Morning Post, ông Ruto cũng sẽ tìm cách tái cơ cấu khoản vay, và đề nghị Trung Quốc thêm thời gian để trả nợ.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Phó Tổng thống Kenya Rigathi Gachagua hôm 6.10 nói với đài phát thanh Nairobi rằng: "Nếu nhận được 1 tỉ USD, chúng tôi sẽ có thể trả nợ [các nhà thầu] để họ quay lại thi công. Khi thanh toán được nợ, các con đường sẽ được hoàn thành".

Kenya xin khất nợ Trung Quốc, muốn mượn thêm 1 tỉ USD - Ảnh 1.

Một đoàn tàu chở hàng chạy dọc theo tuyến cao tốc SGR Mombasa-Nairobi do Trung Quốc xây dựng ở thủ đô Nairobi của Kenya

TÂN HOA XÃ

Ông Ruto dự kiến sẽ có mặt tại Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3 sắp tới. Cuộc gặp với ông Tập diễn ra không lâu sau khi Bộ trưởng Giao thông Kenya Kipchumba Murkomen đến Trung Quốc vào cuối tháng trước để đặt nền móng cho chuyến thăm của tổng thống.

Kenya hiện nợ khoảng 8 tỉ USD tiền vay từ Trung Quốc, phần lớn được chính quyền của người tiền nhiệm ông Ruto là ông Uhuru Kenyatta sử dụng để xây dựng Đường sắt tiêu chuẩn Mombasa-Nairobi (SGR) và đường cao tốc.

Đây là một phần trong dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường xuyên lục địa trị giá hàng tỉ USD của Bắc Kinh, và cũng là khoản đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất của Kenya kể từ khi độc lập khỏi Anh vào năm 1963.

Khoảng một thập niên trước, Ngân hàng Xuất nhập khẩu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã ứng trước khoảng 5 tỉ USD cho dự án xây dựng tuyến đường dài 590 km, nối dài từ thành phố cảng Mombasa lớn nhất Đông Phi, qua thủ đô Nairobi đến Naivasha (cách Nairobi khoảng 80 km về phía tây bắc).

Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng hơn nữa từ Naivasha đến Malaba, nằm sát biên giới Kenya với Uganda, đã bị đình trệ sau khi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc từ chối cung cấp thêm vốn.

Dẫn đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh vào cuối tháng trước, ông Murkomen nói về hy vọng hợp tác với Trung Quốc để hoàn thành các dự án đường bộ đang diễn ra, mở rộng tuyến đường sắt đến Malaba, chia đôi các đường cao tốc chính, cũng như nâng cấp hạ tầng cảng và sân bay.

Kenya chủ yếu nhận nguồn tài trợ từ Bắc Kinh thông qua mô hình hợp tác công - tư, nơi các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ xây dựng, vận hành và sau đó chuyển giao cơ sở hạ tầng. Đơn cử, đường cao tốc Nairobi dài 27 km do Trung Quốc xây dựng và tài trợ được khánh thành vào năm ngoái sẽ cho phép các nhà đầu tư thu phí cầu đường trong 27 năm trước khi chuyển quyền sở hữu cho chính phủ Kenya.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.