Đó là nông dân Hoàng Văn Đảm (45 tuổi), hiện là chủ nhân của hơn 8 ha đất trồng cây ăn trái ở đồi Sabi.
Anh Đảm cho biết đầu những năm 2.000, anh vẫn còn ở quê Nam Định làm nghề muối và đi biển. Cuộc sống cực khổ nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, lại còn bấp bênh. Trong một lần vào H.Định Quán (Đồng Nai) thăm người thân, anh thấy thời tiết ở đây thuận lợi, có nhiều cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp. Đơn cử như người thân của anh có 1 ha đất trồng xoài mỗi năm thu nhập được vài trăm triệu đồng. Trong khi ngoài quê làm quần quật suốt ngày mà thu nhập lại không bằng phân nửa. Vì vậy, năm 2004 anh Đảm bàn bạc với vợ bán nhà, gom góp tiền bạc được hơn 100 triệu đồng vào Nam lập nghiệp.
tin liên quan
Xoài Cao Lãnh xuất khẩuTheo tính toán của anh Đảm, 1 ha xoài ba mùa thu lợi gấp 3 lần 1 ha điều. 2 năm sau, cây xoài của anh đã cho thu nhập. Với số tiền kiếm được, anh tiếp tục đổ vào mua đất, mở rộng diện tích trồng xoài. Cứ như vậy, sau hơn 10 năm chịu khó làm ăn, tích góp của cải, hiện tại anh đã có 8,5 ha đất trồng cây ăn trái các loại…
Chuyển đổi sang cây có múi
Anh Đảm cho hay, qua nhiều năm thành công với cây xoài, từ năm 2014 anh nhận thấy sản phẩm này bắt đầu bão hòa do chịu ảnh hưởng bởi xoài keo của Campuchia. Các chi phí đầu vào như phân, thuốc liên tục tăng nhưng giá xoài vẫn giậm chân tại chỗ, hiệu quả không cao như trước. Từ đó, một lần nữa anh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ xoài sang các loại cây có múi.
Cụ thể anh đã chuyển đổi 6 ha xoài sang quýt đường và cam. Đến nay, diện tích các loại cây cây có múi này đã cho trái ổn định. Trung bình, 1 ha cho năng suất từ 30-40 tấn, với giá bán trung bình khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu về hàng tỉ đồng, trong khi lợi nhuận thì cao gấp đôi so với xoài.
Đặc biệt, để trồng được cam, quýt là phải có nước. Anh cùng với hai nông dân nữa bỏ tiền đầu tư hơn 400 triệu đồng lắp đường ống, bơm nước từ sông La Ngà (cách rẫy 4,5 km) về để tưới.
“Khó khăn nhất ở vùng này là nguồn nước rất khan hiếm. Tôi khoan cả chục cái giếng nhưng chỉ đủ nước để sinh hoạt chứ tưới tiêu là thua. Bởi vậy nên tôi phải đầu tư gần nửa tỉ đồng đưa nước từ sông La Ngà về. Nếu chính quyền địa phương có giải pháp đầu tư dẫn nước từ sông La Ngà về cho bà con vùng đồi Sabi có nươc sản xuất thì kinh tế khu vực này sẽ rất phát triển, đời sống bà con sẽ ngày càng nâng cao”, anh Đảm nói.
Bình luận (0)