Theo chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), trẻ được coi là biếng ăn khi có hơn 2 trong số 6 biểu hiện: không chịu ăn hết khẩu phần hoặc bữa ăn kéo dài hơn 30 phút/bữa; ăn ít hơn 1/2 khẩu phần ăn theo tuổi; ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt; từ chối không chịu ăn, chạy trốn hoặc khóc lóc, nôn ọe khi thấy thức ăn; không tăng cân trong 3 tháng liền.
Thạc sĩ - điều dưỡng Lê Thị Kim Mai, công tác tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi T.Ư, lưu ý một số nguyên nhân làm cho trẻ biếng ăn như: Biếng ăn do bệnh lý (suy dinh dưỡng; nhiễm ký sinh trùng (giun, sán); sốt, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…), trong trường hợp này cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Biếng ăn do tâm lý (nguyên nhân thường gặp, thường xảy ra khi trẻ có cảm giác bị ép buộc vào một khuôn khổ nào đó như: phải mang khăn ăn, bị quy định phải ăn hết phần ăn của mình trong một thời gian cố định, không khí bữa ăn căng thẳng, cho thuốc vào thức ăn, vào sữa…). Cho trẻ ăn đi ăn lại một loại thức ăn gây cho trẻ cảm giác chán ngán.
tin liên quan
Tin vui cho những người bị mụn trứng cáHoặc cha mẹ chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt, không ăn bã, lâu ngày dẫn đến thiếu các chất dinh dưỡng; cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn kéo dài đến 2 - 3 tuổi; pha sữa bằng nước cháo hoặc nước hầm xương, pha bột vào sữa… đều làm cho trẻ khó tiêu hóa; bột quá đặc khi trẻ mới tập ăn dặm làm cho trẻ không nuốt được dẫn đến chán ăn.
Để khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn, cha mẹ cần tránh các sai lầm trên và nên đổi thức ăn cho trẻ hằng ngày, thay đổi cách chế biến và cho trẻ ăn món trẻ thích tạo sự ngon miệng.
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều thịt cá mà cần cân đối các dạng thức ăn; chuẩn bị món ăn đẹp, hấp dẫn về màu sắc thực phẩm, trình bày, thìa, bát...
Cần lưu ý, bữa ăn của trẻ không kéo dài quá 30 phút và cho ăn khi thấy trẻ đói. Khi trẻ từ chối ăn, không nên ép và cho trẻ thử ăn thức ăn khác phù hợp.
Nên cho trẻ tự xúc ăn, tự cầm thức ăn khi ăn và không cho trẻ ăn quà vặt như bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.
Bình luận (0)