Khách VIP 'dỗi' vì chậm visa

14/09/2022 18:04 GMT+7

Đó là câu chuyện đáng buồn được ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation chia sẻ để dẫn chứng cho những bất cập về chính sách visa của Việt Nam hiện nay.

Trao đổi với Thanh Niên sáng 14.9, lãnh đạo một trong những doanh nghiệp du lịch hàng đầu của Việt Nam vui mừng thông báo lượng khách và doanh thu của Vietravel hiện đã phục hồi được khoảng 60% so với thời điểm trước dịch bệnh. Tuy nhiên, gần như toàn bộ sự khôi phục này đều đến từ thị trường nội địa, chưa có dấu ấn của thị trường quốc tế, mặc dù Việt Nam đã mở du lịch từ 15.3.

Visa đang được xem là “đòn bẩy” hữu hiệu để các quốc gia bứt phá nhanh chóng trong cuộc đua phục hồi du lịch

NHẬT THỊNH

Khách cao cấp cũng không qua nổi "ải" visa

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Việt Nam tuyên bố mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15.3 nhưng phải tới tháng 5, chúng ta mới gỡ bỏ hoàn toàn tất cả các điều kiện, quy định xét nghiệm, phòng chống dịch bệnh, chính thức mở "hết nấc". Khi đó, một số quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia đã nhanh chân hơn, đón được dòng khách đang "khát" du lịch, Việt Nam lỡ sóng.

Quan trọng hơn, thị trường khách inbound đến giờ vẫn lèo tèo, ì ạch là do điều kiện quá chặt, bắt đầu từ vấn đề thị thực.

"Vừa qua, Vietravel có kế hoạch gặp gỡ trao đổi đầu tư với đối tác là vị khách thuộc dòng rất cao cấp. Khi làm việc, Vietravel liên hệ lại với thư ký của đối tác lưu ý họ việc nộp hồ sơ xin visa cho khách. Hồ sơ nộp nhưng visa bị chậm nên họ không tới Việt Nam nữa, chuyển qua đi khu vực châu Âu" - ông Kỳ kể lại đầy tiếc nuối và thông tin thêm: Không chỉ Vietravel, rất nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện làm thủ tục gia hạn hoặc xin visa cho chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam rất khó.

Trước đó, tại chương trình Liên kết Sức mạnh Du lịch Việt Nam năm 2022, bà Cao Thị Tuyết Lan - Giám đốc điều hành Công ty du lịch và sự kiện Viettours - cũng chia sẻ câu chuyện tương tự: Viettours muốn làm visa cho đối tác nước ngoài sang Việt Nam công tác mà nhân viên phải lên đăng ký lấy số trên Cục Xuất nhập cảnh từ 6 giờ sáng rồi tới 5 tuần sau mới được lên nộp hồ sơ.

"Mời những khách cao cấp, có chức vụ đã khó như thế thì khách quốc tế đến Việt Nam kiểu gì? Doanh nghiệp tổ chức tour outbound cũng khó khăn vì các vấn đề liên quan tới việc cấp mới, đổi hộ chiếu... Du lịch sắp tới sẽ phát triển mạnh hơn, nếu không nhanh chóng giải quyết những điểm nghẽn này thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu khách quốc tế giai đoạn tới" - bà Lan đặt vấn đề.

Du lịch Việt Nam hiện đang phục hồi dựa vào thị trường nội địa

TN

Tại sao giới hạn khách chỉ được ở 15 ngày?

Để thu hút khách quốc tế, chính sách thị thực đang được coi là vũ khí cạnh tranh quan trọng giữa các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, visa đang được nhận định là nút thắt lớn nhất của du lịch Việt Nam.

Sau nhiều lần “nới nhỏ giọt”, đến nay Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho công dân của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, quá ít để nói tới chuyện cạnh tranh với các nước như Singapore (miễn visa cho 158 nước), Philippines (157 nước), Malaysia (155 nước), Thái Lan (55 nước)... Chưa kể, thời gian lưu trú chủ yếu từ 15 - 30 ngày.

"Khách du lịch vào Việt Nam hiện chỉ cho visa 15 ngày và phải đi tour. Trong khi đó, Thái Lan đón khách từ 30 - 45 ngày, Singapore khó nhất cũng cho phép du khách ở 30 ngày. Cả khu vực này chỉ có riêng Việt Nam đưa thời hạn visa 15 ngày. Tại sao họ vào nước ta đi du lịch mà lại giới hạn? 15 ngày với 30 ngày khác gì nhau? Tại sao phải hạn chế? Đây là sự cứng nhắc khó hiểu từ Chính phủ và các Bộ liên quan " - ông Nguyễn Quốc Kỳ đặt vấn đề

Chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí cũng đánh giá giới hạn 15 ngày lưu trú là rào cản rất lớn của Việt Nam. Một tour xuyên Việt tính “sát” lắm cũng đã hết 12 ngày, muốn dừng chân trải nghiệm thêm ở điểm nào cũng khó. Chưa kể rủi ro về dịch bệnh, thời gian điều trị... "Chỉ riêng thời gian lưu trú thôi, mình đã thua xa Thái Lan. Nếu chỉ bị động, chờ đợi và hy vọng thì mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế chắc chắn bất khả thi”, vị này cảnh báo.

Theo Tổng cục Thống kê, tính tổng 8 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,44 triệu lượt người. Nếu so với cùng kỳ 2021, con số này gấp 13,7 lần nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính toán của các công ty du lịch chỉ ra rằng khi chưa xảy ra dịch Covid-19, cơ cấu doanh thu của 18 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (năm 2019) còn lớn so với doanh thu của 85 triệu khách nội địa. Vì thế, một khi thị trường quốc tế chưa hồi phục thì các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.