Khám chữa bệnh từ xa đã đạt hiệu quả ra sao?

Duy Tính
Duy Tính
08/04/2021 09:32 GMT+7

Sau gần 1 năm Bộ Y tế triển khai hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, đã có hàng trăm cuộc hội chẩn, hàng chục ca mổ mà bác sĩ tuyến trên chỉ đạo, hướng dẫn tuyến dưới thực hiện thành công.

Ngày 7.4, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM chính thức khai trương Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (hệ thống telehealth) thuộc Đề án khám, chữa bệnh từ xa Bệnh viện Thống Nhất, giai đoạn 2020 - 2025.
Bệnh viện Thống Nhất sẽ phụ trách tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với 22 đơn vị y tế khu vực phía nam.

Đã hội chẩn 296 buổi, mổ 32 ca

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bệnh viện Thống Nhất là 1 trong 34 bệnh viện hạt nhân được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến dưới.
Một bệnh viện hạt nhân có nhiều bệnh viện vệ tinh, một bệnh viện vệ tinh có nhiều bệnh viện hạt nhân để kết nối hỗ trợ. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu chuyên môn, kịp thời thì các đơn vị cần đảm bảo bảo mật thông tin.

Cuộc hội chẩn từ xa

ẢNH: DUY TÍNH

Tại lễ khai trương, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội Viettel, cho biết sau gần 1 năm triển khai, hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (giải pháp công nghệ do Viettel cung cấp cho ngành y tế) đã kết nối được 1.261 điểm.
Hiện có gần 200 bệnh viện thường xuyên tham gia, đã tổ chức hội chẩn 296 buổi, tư vấn phẫu thuật từ xa cho 32 ca (tập trung tại Bệnh việm Tim Hà Nội, Viện E, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM… ).
Theo ông Chiến, hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa đã phát huy hiệu quả cao, giúp cho người dân đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội trong giai đoạn gần đây, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi, khó khăn di chuyển, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa…

Hiệu quả trong đại dịch Covid-19

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, với xu hướng phát triển công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam rất may mắn không bị chậm lại so với bước tiến về các công nghệ 4.0 trên thế giới.
Chính phủ cũng đã có rất nhiều chủ trương, giải pháp để chuyển đổi số cho tất cả hệ thống, từ hành chính đến các hệ thống số hóa dịch vụ công quốc gia. Riêng Bộ Y tế là một trong những Bộ tiên phong đã công bố các dịch vụ công cấp độ 4 và có những cổng thông tin, giúp doanh nghiệp, đơn vị giảm bớt thủ tục hành chính, phiền hà và đem lại lợi ích rất lớn cho người dân.

Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM là 1 trong 34 bệnh viện tuyến cuối được giao nhiệm vụ khám chữa bệnh từ xa

ẢNH: DUY TÍNH

Ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình này xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống và làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Theo quyết định này thì ngành y tế là một trong những ngành được ưu tiên hàng đầu với các hoạt động chính là phát triển nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân khám chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải cơ sở y tế; hạn chế tiếp xúc đông người; giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế.
Ngày 22.6, Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2025. Mục tiêu của đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn cho bác sĩ tuyến xa từ bác sĩ tuyến trên. Người dân được hỗ trợ dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở tuyến dưới. Các cơ sở y tế tuyến trên hỗ trợ chuyên môn định kỳ và đột xuất, cùng với các chuyên gia kinh nghiệm, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
“Thời gian công bố quyết định của Thủ tướng nằm trong thời điểm mới bước qua làn sóng Covid-19 thứ nhất. Đến 23.7, Việt Nam bắt đầu làn sóng Covid-19 thứ 2. Do đó, những ý tưởng trong quyết định này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu phòng chống đại dịch Covid-19, cũng như phòng chống những tình huống nguy cơ, khẩn cấp trong nước, cũng như trên thế giới. 2 đợt dịch Covid-19 xảy ra ở Đà Nẵng, Hải Dương, hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã vận hành hiệu quả”, thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.
Bệnh viện Thống Nhất ký kết hợp tác với Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel để triển khai hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa.
Sau lễ khai trương, Bệnh viện Thống Nhất tiến hành hội chẩn trực tuyến (tư vấn, khám chữa bệnh từ xa) với 4 bệnh viện: Bệnh viện đa khoa Phú Yên, Vĩnh Long, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) và Bệnh viện đa khoa Khu vực Long Khánh (Đồng Nai) với chủ đề: Các câu hỏi và thắc mắc thường gặp trong chẩn đoán và xử trí hội chứng mạch vành cấp, nhồi máu cơ tim cấp. 4 cơ sở y tế tham gia hội chẩn trình bày tóm tắt bệnh án bệnh nhân, kèm tình hình sức khỏe, các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, quá trình đã điều trị... Từ đó, các bác sĩ, chuyên gia tại điểm cầu Bệnh viện Thống Nhất trao đổi và đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.