Khám phá con đường tơ lụa: Turpan - Nơi thời gian ngừng lại

23/11/2022 07:32 GMT+7

Cô quạnh. Khắc nghiệt. Hoang tàn. Nhưng lại khiến người ta khắc khoải và thở dài khó quên. Đây là những cảm xúc bật lên trong tâm trí tôi khi đặt chân tới Turpan (Thổ Lỗ Phồn) - thị trấn tiếp theo trên hành trình khám phá con đường tơ lụa.

Có lẽ Turpan đã tồn tại trong tâm trí tôi từ ngày bé - khi xem bộ phim Tây Du Ký, thấy thầy trò Tôn Ngộ Không bị mắc kẹt ở Hỏa Diệm Sơn, phải ba lần đến mượn quạt Ba Tiêu của công chúa Thiết Phiến. Lúc đó cứ ngỡ khung cảnh núi lửa sa mạc chỉ có trên phim, sau này lớn lên tôi mới biết Hỏa Diệm Sơn là có thật, và nó nằm ở Turpan. Bồn địa Turpan là nơi nóng nhất Trung Quốc, mùa hè ở Turpan nhiệt độ có thể lên tới hơn 50 độ C. Nhưng địa danh này lại là một ốc đảo sum suê, tươi tốt nhờ có hệ thống giếng nước ngầm.

Thành cổ Cao Xương

CHIBOOKS CUNG CẤP

Vào giai đoạn đầu của nhà Đường, Turpan từng là chốn phồn hoa đô hội, người qua kẻ lại đông nườm nượp, vì đây là ốc đảo xanh tốt, giàu có giữa lòng sa mạc. Nơi đây từng tồn tại vương quốc Cao Xương, vương quốc Xa Sư (Jushi Kingdom) với thành cổ Giao Hà. Thế nhưng khi tôi tới đây, chỉ còn lại hai tòa thành cổ không một bóng người, điêu tàn và hoang phế, không gian yên lặng đến mức nghe được cả tiếng thở của nhau. Giao Hà, Cao Xương cũng như các tiểu vương quốc khác trong sa mạc Gobi nay đã tan biến theo cát bụi thời gian, cuốn đi tất cả những tinh hoa rực rỡ của một thời lịch sử. Nơi này thật giống như pháo hoa - sáng bừng lên trong một thời gian ngắn, rồi tàn lụi, biến mất không thương tiếc.

Vào một ngày cuối thu - đầu đông, tôi đứng ở Giao Hà - tòa thành cổ từng rất náo nhiệt, là nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa tấp nập trên tuyến đường tơ lụa. Vào thời nhà Hán, Giao Hà là thủ phủ của vương quốc Cheshi, nối khúc đường tơ lụa từ Khố Nhĩ Lặc (Korla) sang Yên Kỳ (Karasahr). Vương quốc Cheshi tồn tại gần 500 năm cho đến đầu thế kỷ 7, Giao Hà trở thành một quận thuộc vương quốc Cao Xương của vua Cúc Văn Thái. Giao Hà lúc bấy giờ là thành phố lớn thứ hai ở Cao Xương với chiều dài 1.650 m, rộng 300 m, dân số khoảng 7.000 người.

Khi tham quan mô hình của Giao Hà ở trung tâm thông tin gần cửa soát vé, tôi thấy nơi đây giống như một chiếc lá được gió sa mạc thổi đến và tọa lạc giữa một vùng đất xanh mướt. Dòng sông Yar khi chảy đến đầu chiếc lá này thì chia ra làm hai, ôm trọn lấy cả Giao Hà, chính vì vậy Giao Hà có nghĩa là “nơi hai con sông gặp nhau”. Người Duy Ngô Nhĩ gọi thành cổ là “Duy nhĩ hòa đồ” - nghĩa là “tòa thành dựng đứng” hay “tòa thành xây trên vùng đất cao”. Người ta đánh giá đây là thành cổ được xây dựng hoàn toàn bằng đất lớn nhất, lâu đời nhất và được bảo tồn tốt nhất.

Giao Hà nổi tiếng là nơi các thương nhân mua bán những chú lạc đà hai bướu Trung Á - dẻo dai, nhanh nhẹn hơn hẳn lạc đà một bướu - cho hành trình vượt sa mạc dài đằng đẵng của mình. Tòa thành giàu có, tấp nập bên dòng sông màu mỡ giờ chỉ còn lại những rãnh nước cạn kiệt, ngôi nhà đổ nát, tường thành bong tróc cát bụi. Khung cảnh trao đổi hàng hóa, lạc đà, những con người diện trang phục từ những vùng đất khác giờ chỉ còn trong trí tưởng tượng.

Tôi tới Cao Xương vừa đúng lúc hoàng hôn, nắng đã nhạt màu và gió cũng mạnh hơn, nhiệt độ bắt đầu giảm xuống khiến tay tôi lạnh ngắt. Tôi đã đọc không ít về Turpan, về Cao Xương, chính vì thế tôi quyết tâm phải đặt chân đến đây bằng được. Nói đến Cao Xương là nói tới Huyền Trang Đường Tam Tạng - ngay ở cổng vào đã thấy bức tượng ngài hoành tráng. Huyền Trang trên đường tới Ấn Độ thỉnh kinh đã dừng chân tại Cao Xương vài tháng, kết giao bằng hữu với đức vua Cúc Văn Thái. Cúc Văn Thái rất tôn sùng Huyền Trang, thỉnh ngài đăng giảng về Phật pháp, thậm chí còn mời ngài làm Quốc sư nhưng bị Huyền Trang từ chối. Khi tiễn Huyền Trang lên đường, Cúc Văn Thái đã cung cấp rất nhiều tiền bạc, người hầu, ngựa, quần áo… và còn viết thư cho các Khả hãn khắp vùng Tây Vực để ngài có thể thuận lợi băng qua các tiểu quốc này.

Cao Xương nằm ngay dưới chân Hỏa Diệm Sơn trong dãy Thiên Sơn, là ốc đảo thứ hai của Tây Vực và là nơi tất yếu mà những đoàn lữ hành cần phải đi qua trước khi tiến vào Kashgar. Cao Xương ngày nay được chính quyền Trung Quốc bảo toàn khá tốt. Ngay sảnh là một bảo tàng nhỏ trưng bày các hiện vật, di chỉ về lịch sử Cao Xương. Diện tích thành cổ Cao Xương rộng gấp đôi của Giao Hà, bố cục phỏng theo thành Trường An, toàn thành chia làm ba bộ phận: ngoại thành, nội thành và cung thành. Đi bộ quanh thành cũng cỡ vài cây số nên sẽ có dịch vụ xe điện chở mọi người từ cổng tới những điểm tham quan chính. Xe cứ bon bon chạy, còn tôi cứ ngây người ra ngắm cảnh.

Cao Xương từng được miêu tả là thành cổ phồn hoa bậc nhất nhì Tây Vực với chu vi lên tới 5,4 km, được bao bọc bởi một bức tường gạch dày tới 11,5 m và có tới 9 cổng được đặt ở các hướng khác nhau dẫn vào thành phố. Bên trong thành là những ngôi nhà với lối kiến trúc đặc biệt, huy hoàng nhất thuộc về khu vực cung điện và đền thờ Phật giáo. Nơi đây cũng từng là trung tâm tôn giáo quan trọng. Phật giáo đã được thiết lập vững chắc ở Cao Xương dưới thời Đường, mở ra vô số tu viện, đền thờ với khoảng 3.000 tu sĩ.

Ngày nay, vào một buổi chiều hoang vắng, trước mắt tôi chỉ còn lại một vài đoạn tường thành vàng vọt, đổ nát nằm hiu quạnh giữa trời. (còn tiếp)

(Trích từ Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An, Chibooks và NXB Lao động ấn hành)

Khám phá con đường tơ lụa

Chờ ngày lên đường

Thung lũng Hunza - Mùa thu lãng mạn nhất trong cuộc đời

Vùng đất hoàn toàn khác biệt ở Pakistan

Welcome to Tashkurgan!

'Cố nhân' Khâu Từ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.