Khám phá khóa học dạy trẻ 10 tuổi về trí tuệ nhân tạo ở Mỹ

Thu Thảo
Thu Thảo
23/09/2019 11:47 GMT+7

Tại MIT Media Lab ở Mỹ, trợ lý nghiên cứu sau đại học Blakeley Payne sáng tạo chương trình đặc biệt, dạy cho trẻ em từ 9 đến 14 tuổi về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Trang MIT Technology Review mới đây mời một học sinh 10 tuổi trong lớp học AI mô tả về trí tuệ nhân tạo. Cậu bé này chia sẻ: "Nó giống như một đứa trẻ hay bộ não người vì nó cần phải học. Nó trữ và sử dụng thông tin mình học được để biết cách làm và hiểu mọi thứ". Nhiều người lớn chật vật để đưa ra định nghĩa ngắn gọn như trên về một công nghệ phức tạp, song cậu bé này làm được điều đó.
Cậu là một trong 28 học sinh cấp hai, từ 9 đến 14 tuổi, đang tham gia chương trình học về AI thí điểm vào mùa hè năm nay. Chương trình do Blakeley Payne, trợ lý nghiên cứu hậu đại học tại MIT Media Lab, xây dựng. Đây là một phần của sáng kiến lớn hơn nhằm biến các khái niệm xung quanh AI thành một phần không thể thiếu trong trường trung học. Bà Payne mở chương trình giảng dạy với nhiều hoạt động tương tác giúp sinh viên khám phá cách phát triển thuật toán, cách thuật toán chạy và ảnh hưởng đến đời sống của con người.

Học sinh lớp học AI thử suy nghĩ hướng tái thiết kế Youtube

Ảnh: MIT Media Lab

Trẻ em ngày nay đang lớn lên trong thế giới công nghệ. Thuật toán AI xác định thông tin trẻ nhìn thấy, giúp chọn video và định hình cách trẻ học nói qua video. Kỳ vọng của khóa học là giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về AI, trở thành người tiêu dùng có ý thức về công nghệ này. Đồng thời, nó cũng giúp định hình tương lai trí tuệ nhân tạo theo hướng tích cực hơn.
"Rất cần để hiểu những công nghệ này hoạt động ra sao để chúng được điều hướng và tiếp nhận một cách tốt nhất. Chúng tôi muốn trẻ em cảm thấy mình được hỗ trợ", bà Payne chia sẻ.
Có nhiều lý do để dạy trẻ hiểu sớm về AI. Thứ nhất, một số ý kiến cho rằng trẻ em sẽ được tăng cường tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề để sau này giúp học nhiều kỹ năng tính toán nhanh hơn. Thứ nhì, những năm trung học đặc biệt quan trọng với sự hình thành và phát triển xu hướng của trẻ em. Vì thế, dạy về AI có thể phần nào giúp định hướng lớp trẻ học hoặc làm việc trong ngành công nghệ khi lớn lên. Điểm này có thể giúp đa dạng hóa ngành AI nói riêng và ngành công nghệ trong tương lai nói chung.

"Ma trận đạo đức" để học sinh hiểu thêm về cách giá trị và lối nghĩ của các bên liên quan ảnh hưởng đến sản phẩm AI cuối cùng

Ảnh: MIT Media Lab

"10 đến 12 tuổi là độ tuổi trung bình khi con trẻ nhận được chiếc điện thoại đầu tiên, hoặc được mở tài khoản trên mạng xã hội. Chúng tôi muốn chúng hiểu rằng công nghệ cũng có ý kiến và mục tiêu của công nghệ không nhất thiết phù hợp với chúng trước khi chúng trở thành những người tiêu dùng công nghệ lớn hơn", bà Payne nói.
Chương trình AI gồm nhiều hoạt động kích thích học sinh suy nghĩ về tính chủ quan của thuật toán. Học sinh bắt đầu học về thuật toán như là công thức nấu ăn với đầu vào, hướng dẫn và đầu ra. Sau đó, chúng được yêu cầu xây dựng hoặc viết hướng dẫn cho một thuật toán làm sandwich bơ đậu phộng ngon nhất. Học sinh trong lớp AI mùa hè này nắm bắt bài học cơ bản rất nhanh. Thông qua quá trình khám phá, chúng nhanh chóng nhận ra bản thân phần nào đưa sở thích cá nhân vào thuật toán của mình. 
Hoạt động tiếp theo dựa trên khái niệm "ma trận đạo đức". Payne muốn học sinh nghĩ về cách các bên liên quan và giá trị của họ ảnh hưởng đến việc thiết kế thuật toán làm sandwich. Sau đó, học sinh còn được đọc bài báo trên The Wall Street Journal bàn về ý kiến của các giám đốc điều hành YouTube trong việc tạo ra phiên bản ứng dụng dành riêng cho trẻ em với thuật toán hoàn toàn khác. Học sinh từ đây học thêm nhu cầu của nhà đầu tư, áp lực từ phụ huynh và sở thích của trẻ em có thể dẫn đến các thuật toán khác nhau ra sao. 

Lớp học cũng giúp các em suy nghĩ logic và toàn diện hơn

Ảnh: MIT Media Lab

Một hoạt động khác giúp học sinh nhận ra khái niệm về sự thiên vị AI qua công cụ Teachable Machine của Google. Đây là nền tảng tương tác không có mã, dùng để đào tạo các mô hình học máy cơ bản. Thông qua quá trình thử nghiệm và thảo luận, học sinh học cách các bộ dữ liệu dẫn đến quá trình phân loại chính xác như thế nào. Ngoài ra, học sinh cũng được xem video về sự thiên kiến trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt khi một nhà nghiên cứu của Media Lab điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Hiện Payne có kế hoạch điều chỉnh chương trình, tiếp thu phản hồi và khám phá cách mở rộng nó. Mục tiêu của bà là tích hợp nội dung chương trình dạy về AI vào giáo dục công, giúp chương trình giáo dục công phù hợp hơn với thời đại công nghệ ngày nay.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.