Khám phá 'nền thuộc địa nhập nhằng' ở Đông Dương

21/10/2022 07:04 GMT+7

Với giới nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Đông Dương thuộc Pháp, lâu nay công trình Indochine, la colonisation ambiguë, 1858 - 1954 của hai sử gia Pierre Brocheux và Daniel Hémery, luôn được xem là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng hàng đầu cần đọc.

Tác phẩm Indochine, la colonisation ambiguë, 1858 - 1954 (Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng, giai đoạn 1858 - 1954) xuất bản vào năm 1994. Một năm sau đó, cuốn sách vinh dự được Hiệp hội Các nhà văn Pháp ngữ (L’Association des écrivains de langue française, ADELF) trao giải thưởng Á châu (Prix de l’Asie).

Năm 2001, các tác giả đã cho tái bản có chỉnh sửa và bổ sung công trình này, đến năm 2009 thì cuốn sách được dịch sang Anh ngữ để in trong series sách rất quan trọng về lịch sử VN cận hiện đại, với tên gọi From Indochina to Vietnam: Revolution and War in a Global Perspective.

Không phải ngẫu nhiên mà các sử gia Mỹ tiến hành tổ chức dịch công trình nghiên cứu kinh điển này từ Pháp ngữ sang Anh ngữ, đây là một ngoại lệ hiếm hoi, qua đó cho thấy tầm vóc của các sử gia và giá trị nội dung của tác phẩm mang lại.

Vua Khải Định (giữa) và bốn vị đại thần đứng đầu Cơ Mật viện (từ trái sang phải): Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung, Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Hân, Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh Đoàn Đình Duyệt

Tập đại thành về Đông Dương

Trong Indochine, la colonisation ambiguë, 1858 - 1954, hai sử gia Pierre Brocheux và Daniel Hémery chia nhau viết về mọi chủ đề quan trọng của Đông Dương thuộc Pháp trải dài gần 100 năm (1858 - 1954). Ngoài phần Dẫn nhập và Kết luận, công trình bao gồm 8 chương, sử gia Daniel Hémery viết từ chương 1 - 3 với các nội dung chính: giai đoạn thuộc địa và sự hình thành Đông Dương thuộc Pháp (1858 - 1897) bắt đầu từ cuộc chinh phạt Nam kỳ lục tỉnh (1858 - 1867) của người Pháp cho đến sự thất bại của phong trào Cần Vương (1885 - 1897).

Tiếp đó là việc người Pháp chiếm Lào và hình thành một vùng ảnh hưởng của họ tại Nam Trung Quốc cùng cấu trúc của một bộ máy cai trị với các vấn đề: Giai đoạn bất ổn kéo dài của mô hình chính trị và hành chính (1858 - 1897), sự hoàn thiện Nhà nước Đông Dương (1897 - 1911), một bộ máy Nhà nước bất động (1911 - 1930); Tư bản thuộc địa và công cuộc phát triển (1858 - 1940), gồm: công cuộc phát triển ở thuộc địa (1858 - 1930), các chu kỳ phát triển kinh tế, cơ cấu chủ nghĩa tư bản Đông Dương.

Tranh khắc vịnh Tourane (nay là Đà Nẵng)

THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Qua 3 chương, Daniel Hémery tập trung nghiên cứu sự hình thành hệ thống thuộc địa trước khi Paul Doumer sang Đông Dương nhậm chức Toàn quyền (1897 - 1902), nêu bật lên được những thiết chế chính trị, hành chính của cấu trúc bộ máy cai trị và công cuộc phát triển kinh tế của Đông Dương giai đoạn từ năm 1897 đến thập niên 1930 - 1940.

Sử gia Pierre Brocheux viết chương 4 - 5, lý giải về xã hội thuộc địa với thực dân và kẻ bị trị, những biến đổi văn hóa, bao gồm những sáng kiến văn hóa của người Pháp và những sáng kiến đề xuất của người bản xứ. Daniel Hémery tiếp nối viết chương 6 - 7 phân tích những bế tắc của công cuộc phát triển thuộc địa như tình hình dân số, sản xuất và trao đổi hàng hóa trong xã hội bản xứ, cuộc Đại suy thoái 1930 - 1940 và tình trạng kém phát triển, những cuộc nổi dậy chống chế độ thực dân, sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa dân tộc VN thập niên 1930, cùng với đó là biến động xã hội và sự khủng hoảng của chế độ thực dân.

Những người lính và kỵ sĩ ở Sài Gòn thập niên 1870, tranh khắc của P.Fritel dựa theo một bức ảnh

Pierre Brocheux hoàn thiện chương 8, nói qua về sự suy tàn và hồi kết của đế chế thuộc địa Pháp tại vùng Viễn Đông giai đoạn 1939 - 1954, trình bày cuộc Chiến tranh Đông Dương 1945 - 1954 trong một diễn biến tổng thể và những mốc thời gian chính yếu.

Theo Pierre Brocheux và Daniel Hémery, Đông Dương thuộc Pháp trước hết và trên hết là một công cuộc cai trị, là một vùng đất sinh lợi, một trong những bánh răng mà thực dân sử dụng để điều chỉnh những vấn đề trong sự vận hành nội tại xã hội và chủ nghĩa tư bản ở chính quốc. Indochine, la colonisation ambiguë, 1858 - 1954 được viết ra như một tổng kết về lịch sử Đông Dương thuộc Pháp, tuy nhiên vẫn khó để đưa ra đánh giá tổng kết một cách thỏa đáng.

Sách Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng, giai đoạn 1858 - 1954, Phạm Văn Tuân dịch, Thư Nguyễn hiệu đính (Omega+ và NXB Thế giới vừa ấn hành)

Sài Gòn cũng được phản ánh nhiều trong sách: “Những cuộc đua ngựa ở trường đua Sài Gòn, các trận đấu bóng đá hay bóng bầu dục, các cuộc đua xe đạp, đi săn thú hoang, chừng ấy những trò tiêu khiển mà thiếu chúng thì cuộc sống ở thuộc địa dễ phải kết thúc với hội chứng suy nhược thần kinh, nạn nghiện rượu, nghiện thuốc phiện hay ngoại tình vì đủ những vấn đề như: lạ nước lạ cái, sự buồn tẻ đơn điệu và cảnh nhàn hạ”. Hoặc: “Ngay từ năm 1888, Sài Gòn nhìn “từ xa” khiến Pierre Loti nhớ tới Rochefort, làm ông có một cảm giác kỳ lạ, cứ như được trở về nhà […]. Tôi lên bờ khi đêm buông xuống với tâm trạng ngạc nhiên sau chuyến đi dài dằng dặc từ Tourane [tức Đà Nẵng], vì bất ngờ lại được nghe thấy âm thanh và những chuyển động của thành phố lớn, những quán cà phê vẫn mở, những phụ nữ xức nước hoa Pháp, những tiếng ồn ào của xe hơi…”.

Indochine, la colonisation ambiguë, 1858 - 1954 là một công trình tổng kết nhiều thập niên nghiên cứu từ các nguồn tư liệu, tác phẩm và các công trình sẵn có đương thời. Từ những tài liệu dồi dào (bao gồm rất nhiều số liệu, biểu đồ và bản đồ); bằng sử học - phân tích và bằng các nhận định, kiến giải sâu sắc, chi tiết, rõ ràng và khách quan, các tác giả đã soi rọi tình trạng nhập nhằng, mơ hồ về một thời kỳ Đông Dương thuộc địa từ nhiều phía, qua đó “kích thích người ta khám phá những góc khuất đó và thấu suốt bi kịch của Đông Dương”.

Đến nay, Indochine, la colonisation ambiguë, 1858 - 1954 và phiên bản Anh ngữ luôn nằm trong danh mục Tài liệu tham khảo, cũng như trích dẫn của nhiều công trình nghiên cứu quan trọng hàng đầu về Đông Dương, như Paul Doumer: Toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902) của Amaury Lorin, Trường Pháp ở Việt Nam 1945 - 1975 của Nguyễn Thụy Phương, Đỉnh cao đế quốc: Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp của Eric T. Jennings, Công giáo Việt Nam: từ đế chế đến quốc gia của Charles Keith, Độc quyền rượu và chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương của Gerard Sasges, Down and out in Saigon của Haydon Cherry, A History of the Vietnamese (Lịch sử của người Việt) của K.W.Taylor, Rubber and the Making of Vietnam: An Ecological History, 1897 - 1975 (Cao su và nguyên nhân thành công của Việt Nam: Lịch sử về sinh thái giai đoạn 1897 - 1975) của Michitake Aso…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.