Miệt nam sông Hậu được phản ánh trong tác phẩm Phong tục miệt Nam sông Hậu của tác giả Trần Minh Thương (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) là vùng văn hóa phong phú thuộc một số địa phương: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang. Sách giúp độc giả khám phá những nghi lễ gắn liền với phong tục, tập quán từ thuở cha ông mở cõi cho đến nay.
Vì sao trong Nam không có con cả ?
Theo tác giả Trần Minh Thương: “Dân gian vùng sông nước miệt nam sông Hậu quan niệm khá đơn giản: đứa trẻ được sinh ra là do các tiên mụ, mà trực tiếp 12 bà mụ nặn ra ban cho, nên khi mới 3 ngày tuổi, ông bà hoặc cha mẹ đứa bé sẽ làm lễ đặt tên”. Ở miền quê Sóc Trăng, Bạc Liêu… nghi lễ đặt tên không làm rình rang mà “chỉ nấu nồi chè dọn lên bàn thờ cúng trình từ đường, tổ tiên (tất nhiên cũng dọn cúng trên cả bàn thờ Phật, Thổ thần, Thổ địa...) cùng với hoa, nước trà. Người cha khấn vái, cúi xin chư vị Tiên bà, Tôn thần chứng giám lòng thành. Khấn vái xong, đợi nhang cháy tàn nửa cây là dọn chè ra để người nhà cùng ăn”.
|
Tục coi mắt cô dâu và lễ thú phạt độc đáo
Trong số những nét văn hóa bản địa độc đáo của đồng bằng sông Cửu Long có tục coi mắt nàng dâu, với những cách rất khéo léo. Việc này của nhà trai, thông qua bà con lân cận, láng giềng của đàng gái hoặc tìm cách xem lén, để tìm hiểu tuổi tác, nhân thân hai bên nội ngoại. Thường người mẹ hay làm việc này thông qua đám cưới, đám giỗ mỗi khi có cô gái mà con trai mình để ý có mặt. Tác giả Trần Minh Thương bật mí thêm: “Có khi bà giả đò đến xin tro bếp về gội đầu. Nếu cô gái xúc tro đem cho có nghĩa là bếp núc không vén khéo, còn đáp lời hỏi xin tro, rằng bếp không còn tro vì đã dọn sạch từ chiều qua, thì coi như cô gái được chấm…”.
Ở miệt nam sông Hậu, đám nói là nghi lễ quan trọng của quá trình dựng vợ gả chồng. Lễ này được nhà gái làm rình rang, che rạp từ mấy ngày hôm trước, trên cổng rạp treo bảng Lễ đăng khoa. Còn bên nhà trai không che rạp bởi lượng khách không đông lắm, chủ yếu bà con nội ngoại. Đêm nhóm họ làm vài ba con vịt nấu cháo để anh em chú bác lai rai vài chung rượu và đờn ca tài tử để sáng mai trưởng tộc (hay chủ lễ) sang nhà gái. Sau đám nói thì đến đám cưới và rước dâu. Rồi 3 ngày sau đám cưới, cha mẹ chú rể cùng đôi vợ chồng trẻ mang theo cặp vịt sang nhà gái gọi là lễ phản bái, giúp tình sui gia càng thêm thắt chặt.
Thạc sĩ Trần Minh Thương (hội viên Hội Văn nghệ dân gian VN) sinh năm 1971; bút danh: Thạch Ba Xuyên, Tửu Hoàng, Hai Miệt Vườn. Anh là tác giả nhiều cuốn sách giá trị: Ca dao Tây Nam bộ dưới góc nhìn thư pháp thể loại, Đặc điểm văn hóa sông nước miền Tây Nam bộ, Hương sắc miền Tây, Ăn tết chơi tết ở miền Tây...
|
Bình luận (0)