Khám sức khỏe tổng quát, phát hiện thận phải có khối u rất lớn, biến dạng

Lê Cầm
Lê Cầm
18/06/2024 11:21 GMT+7

Chị Đ.Q.V (49 tuổi, Vĩnh Long) trong lúc đi khám sức khỏe tổng quát thì bác sĩ phát hiện thận phải có khối u rất lớn, biến dạng, dù trước đó chị không bị đau.

Ngày 18.6, tiến sĩ - bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học - Nam khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết sau khi chụp cắt lớp vi tính (CT) 768 lát cắt ở vùng bụng, phát hiện thận phải của bệnh nhân có một khối u rất lớn, kích thước 10x11cm. Khối u khiến thận phải từ hình dạng hạt đậu lại giãn ra như trái đu đủ, to gấp đôi thận trái.

Theo bác sĩ Liên, khối u tuy lớn nhưng nằm ở khoang sau phúc mạc và không chèn ép cơ quan xung quanh nên trước đó người bệnh không cảm thấy đau hoặc có triệu chứng bất thường.

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư thận giai đoạn 2B, tức còn khu trú, chưa xâm lấn vỏ bao thận, hạch, chưa di căn xa, có thể phẫu thuật cắt bỏ trọn khối u để điều trị. Tuy nhiên, do khối u quá lớn, không thể mổ nội soi, bắt buộc phải mổ mở.

Sau khi hoàn thành khâu gây mê, sát trùng, ê kíp mổ bắt đầu tạo một đường mổ xéo cỡ 15cm dưới sườn phải, cẩn thận bóc tách mở rộng vùng phẫu thuật. Sau khi hạ đại tràng góc gan xuống, mở rộng không gian tiếp cận thận, bác sĩ tiếp tục bóc tách bộc lộ cuống thận để tìm động mạch và tĩnh mạch thận nhằm kẹp lại, giữ nguồn máu nuôi đến thận, tránh chảy máu khi cắt thận. Tuy nhiên, khi tiếp cận được cuống thận, bác sĩ nhận thấy động mạch thận phải của người bệnh có nhiều nhánh.

Khám sức khỏe tổng quát, phát hiện thận phải có khối u rất lớn, biến dạng- Ảnh 1.

Khối u kích thước lớn sau khi được bóc tách ra khỏi người bệnh nhân

BSCC

Bác sĩ Liên giải thích, động mạch thận là nguồn cung cấp máu duy nhất cho thận, tuyến thượng thận và niệu quản. Thông thường, động mạch thận bắt đầu phân thành 2 nhánh khi gần đến rốn thận, sau đó mới chia thành các nhánh nhỏ hơn đến khắp thận. Tuy nhiên, có khoảng 10% trường hợp xuất hiện sự phân nhánh sớm ở động mạch thận.

"Điều này đòi hỏi bác sĩ phải kiểm tra kỹ lượng khi kẹp cuống thận để không bỏ sót nhánh mạch máu nào. Chỉ cần kẹp sót một mạch máu, khi cắt thận sẽ gây chảy máu, khiến người bệnh mất nhiều máu”, bác sĩ phân tích.

Sau chưa đầy 20 phút kể từ khi kẹp cuống thận, toàn bộ thận phải với khối u được lấy ra ngoài. Theo quan sát, một phần thận phình to do khối u khiến thận trông giống quả đu đủ.

Bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm được thu thập gửi đi xét nghiệm. Kết quả giải phẫu bệnh khối u thận phải cho thấy thuộc loại ung thư biểu mô tế bào sáng, là loại ung thư thận thường gặp nhất, chiếm 80%-85% trường hợp.

Ba ngày sau mổ, chị V. phục hồi nhanh, ít đau, ăn uống bình thường và được xuất viện.

Chú ý triệu chứng đau hông lưng lâu ngày, tiểu ra máu, chán ăn

Theo bác sĩ Liên, người bệnh chỉ còn một trái thận nên cần chú ý kiểm soát chế độ dinh dưỡng, lượng nước nạp vào cơ thể để tránh thận còn lại phải làm việc quá tải, dẫn đến suy giảm chức năng thận. Chị V. cũng cần hạn chế vận động mạnh, tránh chấn thương vùng hông, dễ tổn thương bên thận còn lại. Cần định kỳ tái khám trong 2 năm đầu để bác sĩ theo dõi, đánh giá nguy cơ ung thư tái phát.

"Nếu có biểu hiện đau hông lưng lâu ngày không khỏi, tiểu ra máu, chán ăn, sụt cân bất thường… cần đến bệnh viện khám ngay. Người có người thân tiền sử mắc ung thư cả hai bên thận, cần sớm tầm soát ung thư thận bởi có khả năng di truyền", bác sĩ khuyến cáo,

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.