Sáng 18.2, tại trụ sở T.Ư Đảng, Bộ Chính trị , Ban Bí thư khóa XIII tiến hành phiên họp đầu tiên, cho ý kiến về việc thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức tết năm 2021; nhiệm vụ trọng tâm quý 1/2021; về chủ trương mua và sử dụng vắc xin phòng dịch Covid-19.
Sau khi nghe báo cáo về chủ trương mua, sử dụng vắc xin phòng Covid-19 và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đồng ý về chủ trương mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân. Kinh phí mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc mua, sử dụng vắc xin được tiến hành thực hiện trong điều kiện khẩn cấp, áp dụng mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật, theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và của nhà sản xuất.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức sản xuất vắc xin phòng Covid-19 trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.
|
Vắc xin nhập khẩu sẽ sớm về nước
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Bộ Y tế đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để có thể sớm triển khai tiêm vắc xin Covid-19, sau khi tiếp nhận vắc xin này từ nguồn tài trợ và nhập khẩu. Cụ thể, bộ này đã cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vắc xin theo chương trình COVAX facility. Cuối tháng 2 và trong tháng 3, VN tiếp nhận vắc xin Covid-19 theo 2 nguồn: nguồn từ chương trình COVAX facility (4,88 triệu liều) và nguồn nhập khẩu 204.000 liều.
Tạm dừng tiếp nhận đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 nhập khẩuTheo phản ánh của bạn đọc Báo Thanh Niên, việc đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 hiện đã tạm dừng. Trên trang web chính thức của nhà nhập khẩu, phân phối vắc xin Covid-19 (VNVC) có ghi: “Theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế về thứ tự ưu tiên người được tiêm vắc xin Covid-19, chúng tôi tạm dừng nhận đăng ký tiêm vắc xin Covid-19. Sau khi có kế hoạch chi tiết, chúng tôi sẽ thông báo đến quý khách hàng trên các kênh truyền thông chính thức của VNVC. Những quý khách đã đăng ký vắc xin Covid-19 vui lòng theo dõi hộp thư điện tử hoặc tin nhắn để cập nhật các thông báo mới nhất từ VNVC”.
Liên Châu
|
COVAX facility là một cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19. Trong cơ chế này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp với GAVI (Liên minh Vắc xin và tiêm chủng), UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc), các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả. COVAX hướng đến đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vắc xin với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho Công ty cổ phần vắc xin VN (VNVC) nhập khẩu vắc xin Covid-19 do Astra Zeneca sản xuất. Vắc xin nhập về sẽ được ưu tiên tiêm cho các nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu chống dịch, người lớn tuổi, người có bệnh nền, có nguy cơ diễn biến nặng nếu nhiễm Covid-19.
Tháng 5 có thể tiêm vắc xin Covid-19 "made in VN"?
Chiều 18.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì cuộc họp với các đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin của Bộ Y tế về việc tìm nguồn kinh phí triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) vắc xin Covid-19 “made in VN” do hai đơn vị thuộc Bộ Y tế, là Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) thực hiện. Theo Bộ Y tế, ước tính mỗi đơn vị cần khoảng 30 tỉ đồng cho các nghiên cứu TNLS trong 3 giai đoạn. Nguồn kinh phí sẽ được hỗ trợ từ ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Nâng mức cảnh giác cao nhất đối với Covid-19Tại phiên họp sáng qua, về nhiệm vụ trọng tâm quý 1/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện, phương tiện, mọi biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19, không để ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài; nâng mức cảnh giác cao nhất đối với Covid-19; huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu năm 2021; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng nhất trí cho rằng, trong thời gian tới cần tập trung triển khai học tập, phổ biến, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, ngay từ đầu năm 2021. Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 là triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Kết luận phiên họp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần khái quát những vấn đề lớn, những việc cần thiết phải làm ngay, không nên vui tết kéo dài, ngủ quên trên thắng lợi, mà các cấp, các ngành phải bắt tay ngay vào công việc. Trước hết là phải triển khai thật tốt việc thực hiện các chủ trương đại hội đã đề ra, tổ chức học tập quán triệt, từng cơ quan, từng cấp, ngành, đơn vị đều phải xây dựng chương trình hành động cụ thể của mình cho năm 2021…
Lê Hiệp
|
Liên quan đến kết quả TNLS vắc xin Covid-19 Nano Covax do Công ty Nanogen (TP.HCM) nghiên cứu, phát triển, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết trong giai đoạn 1 vắc xin cho kết quả an toàn. Cả 3 liều tiêm 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg đều sinh miễn dịch tốt. Trong đó, tỷ lệ có đáp ứng sinh miễn dịch (có khả năng bảo vệ người tiêm không bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2) lên đến 90%. Liều tối ưu là những người được tiêm ở mức liều 75 mcg. Tháng 5 tới, dự kiến có thể tiêm rộng rãi vắc xin Covid-19 “made in VN”.
Theo dự kiến, sáng nay (19.2), Hội đồng của Bộ Y tế có cuộc họp cuối trước khi đưa ra quyết định chấp thuận cho TNLS giai đoạn 2 vắc xin Covid-19 Nano Covax. Giai đoạn 2 của TNLS vắc xin sẽ được triển khai tại 2 địa điểm, do Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) thực hiện tại Hà Nội và Viện Pasteur TP.HCM triển khai tại Long An.
“Giai đoạn 2 của TNLS sẽ tiêm trên 560 người tình nguyện từ 18 - 65 tuổi. Triển khai TNLS tại 2 điểm để việc tiếp nhận người tiêm tình nguyện được nhanh hơn, thay vì chỉ tại 1 điểm như giai đoạn 1. Hiện tại, việc chuẩn bị cho điểm nghiên cứu tại Long An đã cơ bản hoàn tất. Dự kiến ngày 26.2 sẽ tiêm mũi đầu tiên. Trong giai đoạn 2, vắc xin sẽ chỉ tiêm 2 nhóm người tình nguyện, với 2 liều 50 mcg và 75 mcg”, TS Quang nói và cho biết Nanogen có năng lực sản xuất 70 triệu liều/năm. Còn IVAC nếu được đầu tư, cũng đạt khoảng 30 triệu liều/năm.
TS Quang kỳ vọng: “Với tốc độ triển khai như hiện nay, chúng ta cần khoảng 2 tháng để hoàn thành nghiên cứu TNLS giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax. Như vậy, khoảng tháng 4 chúng ta sẽ hoàn thành, đánh giá chính xác hơn nữa liều tiêm vắc xin Covid-19 tối ưu. Sang tháng 5 có thể tiêm cho những người có nguy cơ cao. Như vắc xin Covid-19 của Nga, sau giai đoạn 2 đã được cấp phép, tiêm rộng rãi cho người dân”.
Bình luận (0)