Giành chiến thắng lớn nhất tại giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ hồi đầu tháng này, tác phẩm Oppenheimer của đạo diễn Christopher Nolan kể về nhà vật lý Mỹ J. Robert Oppenheimer, người dẫn đầu cuộc đua phát triển bom nguyên tử, đã thu về gần 1 tỉ USD trên toàn cầu.
Nhưng trước hôm 29.3, Nhật Bản đã bị loại khỏi danh sách chiếu phim này trên toàn thế giới, mặc dù đây là thị trường lớn của Hollywood. Hai vụ nổ bom nguyên tử đã tàn phá thành phố Hiroshima và Nagasaki vào cuối Thế chiến thứ hai, giết chết hơn 200.000 người.
"Tất nhiên đây là một bộ phim tuyệt vời, xứng đáng giành được giải Oscar. Nhưng bộ phim cũng mô tả quả bom nguyên tử theo cách có vẻ ca ngợi nó, và với tư cách là một người gốc Hiroshima, tôi cảm thấy khó xem", Kawai (37 tuổi) cư dân Hiroshima nói với Reuters.
Là một người hâm mộ cuồng nhiệt các bộ phim của Christopher Nolan, Kawai - một công chức - đã đến xem Oppenheimer vào ngày khởi chiếu tại một rạp phim chỉ cách nơi quả bom nguyên tử rơi 1 km.
"Tôi không chắc đây có phải là bộ phim mà người Nhật nên đặc biệt nỗ lực để xem hay không", Kawai nói thêm.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các biển hiệu dán ở lối vào một số rạp chiếu phim ở Tokyo, cảnh báo rằng bộ phim có hình ảnh vụ nổ bom nguyên tử có thể gợi lên quá khứ đau buồn do bom gây ra.
Một cư dân Hiroshima khác - Agemi Kanegae có nhiều cảm xúc lẫn lộn khi xem bộ phim. "Bộ phim rất đáng xem", người đàn ông 65 tuổi đã nghỉ hưu nói. Nhưng tôi cảm thấy rất khó chịu với một vài cảnh, chẳng hạn như phiên tòa xét xử Oppenheimer ở Mỹ vào cuối phim".
Bộ phim nhanh chóng trở thành hit toàn cầu sau khi khởi chiếu tại Mỹ vào tháng 7 năm ngoái. Nhưng nhiều người Nhật cảm thấy bị xúc phạm bởi từ ghép "Barbenheimer" do người hâm mộ tạo ra, liên kết Oppenheimer với bom tấn Barbie ra mắt cùng thời điểm.
Universal Pictures ban đầu đã loại Nhật Bản ra khỏi lịch phát hành toàn cầu phim Oppenheimer. Cuối cùng được Bitters End, một nhà phân phối phim độc lập của Nhật Bản, chọn lại. Bộ phim được ấn định ngày phát hành sau lễ trao giải Oscar.
Nói chuyện với Reuters trước khi bộ phim ra mắt, Teruko Yahata, người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử, cho biết bà rất háo hức được xem bộ phim, với hy vọng rằng tác phẩm sẽ tiếp thêm sinh lực cho cuộc tranh luận về vũ khí hạt nhân. Teruko Yahata, hiện 86 tuổi, nói thêm bà đồng cảm với nhà vật lý tạo ra quả bom.
Rishu Kanemoto, một sinh viên 19 tuổi, đã xem Oppenheimer hôm 29.3, nhận định: "Hiroshima và Nagasaki là 2 nạn nhân, nơi bị tàn phá bởi bom nguyên tử, chắc chắn rồi. Nhưng tôi nghĩ mặc dù nhà phát minh là một trong những thủ phạm, nhưng ông cũng là nạn nhân bị cuốn vào chiến tranh".
Bình luận (0)