Ngày 11.11 là hạn chót để làm sạch dữ liệu tiêm chủng. Đây là một trong các điều kiện cho triển khai hộ chiếu vắc xin.
Sáng 8.11, hội nghị trực tuyến về cập nhật, xác minh thông tin tiêm chủng đã được Bộ Y tế và Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức đến 11.000 điểm cầu trên cả nước.
Hơn 90 triệu mũi tiêm Covid-19 đã được tiêm trên toàn quốc |
ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Hoàn thành trước ngày 11.11
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thông tin tiêm chủng sẽ được bộ này phối hợp Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an và UBND các tỉnh thành khẩn trương xử lý. Theo đó, sẽ cùng thực hiện chiến dịch làm sạch dữ liệu tiêm vắc xin Covid-19, xác thực thông tin người dân về tiêm chủng, xác minh lại dữ liệu chưa rõ ràng, chưa chính xác cho các cá nhân, đảm bảo cập nhật đúng, đủ dữ liệu tiêm chủng cho người đã tiêm, hoàn thành trước ngày 11.11.
“Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đến nay đã đạt được 90 triệu mũi tiêm trên cả nước. Hiện vẫn còn rất nhiều vướng mắc và bất cập trong quá trình tổ chức tiêm, trả kết quả tiêm cho người dân. Nhiều người dân phản ánh thông tin tiêm chủng cập nhật chưa chính xác”, ông Thuấn đánh giá.
Theo ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), việc xác minh thông tin về tiêm chủng do người dân phản ánh để cập nhật lại sẽ hoàn thành trong 48 giờ. Nơi tiêm cho người dân có trách nhiệm xác minh, xử lý thông tin mà người đã được tiêm phản ánh.
0:00 |
Covid-19 sáng 9.11: Cả nước 976.672 ca nhiễm, 841.475 ca khỏi | Dịch bệnh nhiều nơi đáng lo ngại |
Sẽ cần chứng thực tại cơ sở
Về triển khai hộ chiếu vắc xin, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đỗ Trường Duy cho hay vừa qua Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã cấp giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 bản giấy. Còn giấy xác nhận tiêm chủng bản điện tử (hộ chiếu vắc xin) thì hiện đã được Bộ Y tế và Bộ Thông tin - Truyền thông thống nhất chuẩn mẫu. Với mẫu chuẩn này, công dân VN sau quá trình xác thực thông tin cá nhân, Bộ Y tế sẽ ký xác nhận theo mẫu thông tin bản điện tử. Bản chứng nhận điện tử này hiện đã đáp ứng tiêu chuẩn của WHO và Liên minh châu Âu.
Theo ông Duy: “Hộ chiếu vắc xin có liên quan đến phối hợp liên ngành, các bộ rất chặt chẽ, hiện chỉ còn vấn đề kỹ thuật nhỏ. Đó là thông tin trước khi Bộ Y tế ký xác nhận thì phải có xác nhận cho công dân đó tại địa phương”.
Theo đó, tại địa phương, y tế, công an phối hợp xác minh, xác thực thông tin công dân, và địa phương ký xác nhận về việc công dân được tiêm tại địa phương mình. Sau đó, Bộ Y tế sẽ ký, xác nhận ở cấp quốc gia.
Về bảo mật thông tin cá nhân và tránh nhân bản khống hộ chiếu vắc xin, ông Duy cho hay các thông tin cá nhân là thông tin cơ bản, không quá riêng tư, dù thế nào thì vẫn không chủ quan và vấn đề bảo mật luôn được đảm bảo. “Việc nhân bản khống chứng nhận tiêm chủng không thể thực hiện, vì sẽ thực hiện ký xác thực điện tử với từng cá nhân. Khi thực hiện chữ ký số thì không làm giả được, không thể nhân bản được hộ chiếu vắc xin”, ông Duy khẳng định.
Trước thực tế công suất tiêm vắc xin Covid-19 tăng cao, đạt 2 triệu mũi/ngày và có thể cao hơn khi tới đây vắc xin về dồn dập, ông Duy cho rằng: “Khi tăng tốc tiêm vắc xin, các địa phương cần huy động lực lượng tham gia cập nhật thông tin tiêm chủng lên hệ thống, từ đó cập nhật số mũi tiêm kịp thời cho người dân. Hệ thống phần mềm hoàn toàn có thể chấp nhận được, không bị tắc nghẽn mạng”.
Bình luận