Không được để dịch bùng phát trở lại
Sáng 13.11, sau 1 tuần họp tập trung của đợt 2, Quốc hội (QH) đã bế mạc kỳ họp thứ 2 QH khóa XV. Trong bài phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành công của kỳ họp tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một QH “Chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm”, một QH ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp |
Gia Hân |
Đánh giá về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ghi nhận những kết quả đạt được thời gian qua, Chủ tịch QH cho biết từ đầu tháng 10 đến nay nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng nhanh, trong đó nhiều ổ dịch mới bùng phát tại các cơ sở sản xuất, thương mại và trường học, cho thấy tình hình dịch trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại. Do đó, QH yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của T.Ư, các nghị quyết của QH và điều hành của Chính phủ, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; không được để dịch bùng phát trở lại.
QH giao Chính phủ trên cơ sở tổng kết công tác phòng, chống dịch thời gian qua, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch. Trong đó có kế hoạch phân bổ, sử dụng vắc xin nói chung và cho người cao tuổi, nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp việc tiêm vắc xin cho trẻ em; xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, tuyệt đối không để lúng túng, bị động, bất ngờ với những tình huống có thể còn phức tạp hơn so với thời gian trước đây.
Bên cạnh đó, sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch công khai, minh bạch, ngăn ngừa và xử nghiêm tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế.
Covid-19 sáng 14.11: 1.018.376 ca nhiễm, 858.054 ca khỏi | F0 ở TP.HCM cao hơn số liệu thống kê |
Sớm có chương trình phục hồi, phát triển kinh tế
Đối với phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Chủ tịch QH cho biết qua thảo luận, QH thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là nguyên nhân chủ quan cả trong quản trị quốc gia, các cấp, các ngành và trong quản trị doanh nghiệp. Từ đó QH đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển KT-XH.
Thí điểm chính sách đặc thù tại Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế
Sáng 13.11, QH đã thông qua 4 nghị quyết về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế. Các chính sách đặc thù được QH thông qua cho cả 4 địa phương bao gồm quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, quản lý quy hoạch… Theo đó, các địa phương được thí điểm thực hiện một số chính sách như: nâng tổng mức dư nợ vay; quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định và được hưởng 100% số thu này; quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; được thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, khu đô thị…
QH yêu cầu Chính phủ khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, sử dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa để giữ vững kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi, phát triển KT-XH; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, sớm trình QH xem xét, quyết định.
Yêu cầu bộ trưởng quyết liệt thực hiện cam kết
Tại phiên bế mạc, QH đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, đối với lĩnh vực y tế, QH yêu cầu trước ngày 1.1.2022 ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19; đến đầu năm 2022 hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vắc xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh kiểm tra giám sát giá xét nghiệm ở các cơ sở y tế.
Đối với lĩnh vực LĐ-TB-XH, QH yêu cầu khẩn trương có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước. Xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, TP lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương; đồng thời ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do Covid-19.
Đối với lĩnh vực giáo dục, QH yêu cầu chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai của ngành giáo dục và đào tạo thích ứng với dịch bệnh; sớm triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh…
Đối với lĩnh vực kế hoạch - đầu tư, QH yêu cầu khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công; sớm trình QH xem xét quyết định Đề án thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng và dự án tái định cư ra khỏi các dự án đầu tư công...
Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH cho hay qua 2 ngày rưỡi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, 170 lượt đại biểu phát biểu (trong đó 134 lượt chất vấn, 12 lượt đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, 24 lượt tranh luận). “QH đã thông qua Nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước QH và cử tri cả nước, làm cơ sở để QH giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân”, Chủ tịch QH nói.
Chưa cải cách chính sách tiền lương trong năm 2022
Sáng cùng ngày, với đa số đại biểu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Theo đó, QH quyết định tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.700 tỉ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.784.600 tỉ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỉ đồng (tương đương 4% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 572.686 tỉ đồng.
QH cũng đồng ý lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2022; song nêu rõ ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Nghị quyết QH nêu rõ, tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.
Ngoài ra, nghị quyết của QH thông qua cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và năm 2022, song yêu cầu phải cam kết bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương.
Bình luận (0)