Khánh Hòa ban hành hơn 170 dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025

10/10/2023 08:00 GMT+7

Tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Xung quanh nội dung này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hiền - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Khánh Hòa ban hành hơn 170 dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025 - Ảnh 1.

Tỉnh Khánh Hòa đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công từ ngày 30.9.2023

Thế Quang

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật về quá trình chuyển đổi số của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Hiền: Triển khai chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy CĐS, hướng đến phấn đấu hoàn thành sớm các mục tiêu đề ra. Trong đó, về xây dựng chính quyền số, tỉnh đã rà soát, đánh giá hiện trạng, xác định nhu cầu và tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp CĐS để phục vụ công tác quản lý nhà nước ngày càng tốt hơn, thúc đẩy cải cách hành chính và đặc biệt là cung cấp các dịch vụ số để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), hướng đến tiện ích, chất lượng và toàn diện. Đến nay, 100% các cơ quan nhà nước đã triển khai các ứng dụng số để phục vụ xử lý công việc hằng ngày như: E-mail công vụ, Quản lý văn bản và điều hành, Một cửa điện tử, Quản lý tài sản công, Quản lý tài chính, kế toán, hệ thống họp trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện xã),… Hầu hết các cơ quan quản lý chuyên môn đều triển khai các ứng dụng số để phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực, như y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, dịch vụ du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn,…

Về phát triển kinh tế số, tỉnh đã triển khai một số hoạt động cơ bản nhằm thúc đẩy CĐS cho DN, nhất là các DN vừa và nhỏ (chiếm số lượng lớn trên địa bàn tỉnh). Tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm,… nhằm giúp các DN hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích của CĐS; hướng dẫn triển khai các bước CĐS trong DN; làm cầu nối giúp các DN tiếp cận, sử dụng các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của DN.

Về phát triển xã hội số, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về lợi ích và xu hướng phát triển tất yếu của CĐS; đặc biệt, đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai Đề án 06 (đạt tỷ lệ 100% tổ, thôn trên địa bàn) để hướng dẫn, hỗ trợ giúp người dân tham gia sử dụng các dịch vụ số như thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tham gia thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các nền tảng số phục vụ cho học tập, làm việc, giải trí,…

Khánh Hòa ban hành hơn 170 dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025 - Ảnh 2.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh khánh Hòa kỳ vọng góp phần tối ưu hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và DN

Thế Quang

Các chính sách của tỉnh Khánh Hòa được triển khai như thế nào thông qua quá trình CĐS, thưa ông?

Để thúc đẩy hoạt động CĐS, ngày 19.10.2021, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về CĐS tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Để triển khai có hiệu quả và đồng bộ ở 3 nội dung chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tỉnh đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, theo đó thực hiện rà soát, nâng cấp, phát triển hoàn thiện các nền tảng số dùng chung của tỉnh để đẩy nhanh xây dựng chính quyền số, kết hợp phát triển các nền tảng số chuyên ngành, trong đó ưu tiên CĐS ở các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải và đặc biệt là xây dựng mô hình đô thị thông minh tại 4 địa phương: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Cam Lâm.

Nhằm quán triệt và tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện CĐS, như kế hoạch CĐS 5 năm, các kế hoạch CĐS hằng năm, kế hoạch hỗ trợ CĐS cho DN vừa và nhỏ,… và đặc biệt đã ban hành danh mục dự án, nhiệm vụ CĐS giai đoạn 2023 - 2025 với trên 170 dự án, nhiệm vụ. Đối với phát triển kinh tế số, hiện nay tỉnh đang tổ chức nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mới, trọng tâm, hướng lâu dài và phù hợp với tình hình của địa phương, nhằm phấn đấu đến năm 2030 "kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP của tỉnh và là lĩnh vực phát triển mang tính đột phá theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khánh Hòa ban hành hơn 170 dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025 - Ảnh 3.

Trên 170 dự án, nhiệm vụ được Khánh Hòa ban hành danh mục dự án CĐS giai đoạn 2023 - 2025

Ngọc Phúc

Để công cuộc CĐS được tiến hành có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, tỉnh Khánh Hòa cần có những giải pháp trọng tâm nào trong thời gian tới?

Sau gần 2 năm bước vào công cuộc CĐS, kết quả đạt được là rất khả quan, hầu hết các chỉ tiêu về CĐS của tỉnh năm sau đều tăng hơn so với năm trước. Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành phố trong nước, tiến độ CĐS của Khánh Hòa còn khá chậm và chưa đạt như kỳ vọng. Để hoạt động CĐS của tỉnh được tiến hành hiệu quả, toàn diện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:

- Bám sát các chỉ đạo Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hệ thống pháp lý về CĐS trên địa bàn tỉnh, nhất là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động CĐS, các chính sách hỗ trợ CĐS cho DN, phát triển kinh tế số,… bảo đảm khả thi, phù hợp, dễ thực hiện.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhiệm vụ CĐS, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện các nền tảng số dùng chung, các nền tảng số chuyên ngành, thí điểm mô hình đô thị thông minh,… kết hợp triển khai đồng bộ các mô hình của Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" để xây dựng hoàn thành chính quyền số, hỗ trợ tốt cho công tác quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân.

- Tăng cường công tác tuyên truyền về các hoạt động CĐS, kết hợp cung cấp các dịch vụ, ứng dụng số miễn phí cho người dân, DN, vừa góp phần nâng cao nhận thức, vừa mang lại những lợi ích thiết thực, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, kêu gọi sự tham gia tích cực của toàn xã hội vào công cuộc CĐS.

- Thực thi có hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế số, trước mắt tập trung triển khai nhiệm vụ hỗ trợ CĐS cho DN.

- Xây dựng và triển khai chính sách phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động CĐS phù hợp, bảo đảm toàn diện, thích ứng ở từng cấp, từng ngành, từng vị trí, từ chính quyền, đoàn thể đến tổ chức, DN và người dân.

- Coi trọng công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động CĐS; các dự án, nhiệm vụ CĐS phải gắn liền với thực thi công tác an toàn, an ninh thông tin, nhất là bảo vệ toàn vẹn nguồn thông tin, dữ liệu trong các hệ thống thông tin.

- Bố trí đủ nguồn kinh phí cho các hoạt động CĐS; tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai các dự án, nhiệm vụ CĐS và công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư cho CĐS.

Xin cám ơn ông!

Khánh Hòa ban hành hơn 170 dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025 - Ảnh 4.

Đại biểu tìm hiểu nền tảng, công nghệ số tại Hội thảo triển lãm đảm bảo an toàn an ninh mạng, phục vụ CĐS Khánh Hòa 2023 được tổ chức vào ngày 6.10 tại TP.Nha Trang

Ngọc Phúc


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.