Lo lắng này có thể bắt nguồn từ việc nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trẻ em có giai đoạn phát triển ngôn ngữ và cảm xúc khá nhạy cảm, nếu bị gián đoạn có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài đến trẻ.
Tuy nhiên mới đây, nghiên cứu của các học giả thuộc Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) được công bố trên tập san PLOS One khẳng định thói quen mang khẩu trang trong đại dịch Covid-19 không cản trở quá trình phát triển xã hội hay giao tiếp của trẻ.
Theo các tác giả, nghiên cứu đã chỉ ra sự linh hoạt bẩm sinh của trẻ em trong việc thích nghi và bắt kịp với những thách thức.
Ngoài ra, thông tin từ Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ (AAP) cho hay, ngay từ khi mới sinh trẻ em đã học cách giao tiếp bằng cách quan sát khuôn mặt, miệng, giọng nói của người thân và đáp lại. Bên cạnh đó, các yếu tố như âm lượng, ngữ điệu của giọng nói, cử chỉ cơ thể - vốn không bị ảnh hưởng bởi khẩu trang - cũng đóng vai trò trong việc giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp.
Giáo sư Amy Learmonth, chuyên gia tâm lý học tại Đại học William Paterson (Mỹ), nói với CNN: “Nếu cảm thấy lo lắng cho quá trình phát triển ngôn ngữ và xã hội của con mình trong đại dịch, phụ huynh nên dành thời gian nhiều hơn để trò chuyện trực tiếp cùng con khi ở nhà. Những đứa trẻ nhận được sự tiếp xúc, tương tác gần gũi, thường xuyên từ cha mẹ, đặc biệt là vào lúc tắm, giờ chơi hoặc bữa ăn, đa phần chúng sẽ ổn”.
Còn theo AAP, để giao tiếp tốt hơn với trẻ khi đeo khẩu trang, người lớn có thể chú ý đến cường độ giọng nói và sử dụng ngôn ngữ cơ thể nhiều hơn. Đồng thời cũng cần chú ý quan sát biểu hiện của trẻ, xem trẻ có nắm bắt được điều mình nói không và lặp lại nội dung giao tiếp nếu cần.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tập san Cognition hồi năm 2012 cũng chỉ ra trẻ từ 3 - 8 tuổi không gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận các biểu cảm trên khuôn mặt mang khẩu trang. Điều này cho thấy trẻ em dưới 9 tuổi có xu hướng thích quan sát vùng mắt để tiếp nhận biểu cảm, chứ không phải toàn bộ khuôn mặt.
Bình luận (0)