Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM - đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư) vừa trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 3, TP.HCM.
Khởi công quý 1/2021
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đường vành đai 3 dài hơn 90 km được chia làm 4 đoạn. Trong đó, 2 dự án thành phần 1 là 1A và 1B thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch đã xác định được nguồn vốn, phương thức đầu tư để sớm khởi công.
Cụ thể, dự án thành phần 1A có tổng chiều dài khoảng 8,75 km, gồm 6,3 km thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai và 2,45 km nằm trên địa bàn TP.HCM. Giai đoạn một xây dựng tuyến đường 6 làn xe, đến giai đoạn hai nâng lên 8 làn cùng 2 tuyến song hành, vỉa hè hai bên. Công trình này có tổng mức đầu tư 5.329,56 tỉ đồng, thực hiện bằng vốn ODA thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF (gần 4.200 tỉ đồng), còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ.
Mới đây, hiệp định vay vốn đã được Chính phủ VN và Hàn Quốc thông qua, tạo cơ sở để thực hiện dự án. Sau khi đã thuận lợi về vốn vay thực hiện dự án, phía chủ đầu tư đã tổ chức lựa chọn tư vấn thiết kế. Đến tháng 3.2021, đơn vị được lựa chọn sẽ hoàn thiện thiết kế kỹ thuật. CIPM dự kiến khởi công dự án thành phần 1A vào quý 3/2021.
Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đang được các đơn vị thúc đẩy nhanh. UBND tỉnh Đồng Nai đã có các quyết định phê duyệt tiểu dự án giải phóng mặt bằng từ năm 2018 để làm cơ sở cho việc thu hồi đất và tiến độ đang được thực hiện theo kế hoạch. Tuy nhiên, kế hoạch giải tỏa 81 hộ dân bị ảnh hưởng phía TP.HCM đang chậm, có thể ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công dự án theo tiến độ yêu cầu. CIPM đang kiến nghị TP.HCM bố trí vốn giải phóng mặt bằng cho dự án 1A, đẩy nhanh tiến độ, kịp khởi công năm sau.
Một thành phần quan trọng của dự án thành phần 1A được nhiều người dân quan tâm là cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, kết nối với TP.HCM, có chiều dài hơn 2 km, rộng 19,5 m dành cho 6 làn xe. Cầu có tĩnh không cao 30,5 m, thiết kế khoang thông thuyền 110 m đáp ứng tàu tải trọng 5.000 tấn chạy phía dưới. Cây cầu có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.200 tỉ đồng, sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách từ Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông ở cầu Đồng Nai cùng các tuyến đường nội đô TP.HCM.
Bên cạnh đó, dự án 1B dài 9 km (điểm đầu từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối tại nút giao trạm 2 - xa lộ Hà Nội) đã sơ tuyển hai nhà đầu tư, chủ đầu tư đang lập hồ sơ mời thầu để lựa chọn, cũng dự kiến khởi công năm 2021. Để kịp tiến độ giao mặt bằng cho nhà đầu tư, CIPM kiến nghị TP.HCM giao UBND Q.9 tiếp nhận cọc giải phóng mặt bằng do đơn vị này cắm để triển khai trước các thủ tục như thống kê hộ dân bị ảnh hưởng, tổ chức kiểm đếm... nhằm đẩy nhanh tiến độ khâu giải phóng mặt bằng.
Kích thích giãn dân, giảm áp lực giao thông
Theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28.9.2011, đường vành đai 3 đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỷ lệ 17,92%). Trong nhiều tờ trình gửi Bộ GTVT về tiến độ thực hiện dự án, Tổng công ty Cửu Long nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng khép kín đường vành đai 3 rất quan trọng và cấp thiết.
Không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, đường vành đai 3 còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM, góp phần hình thành trung tâm theo hướng đô thị đa tâm; đồng thời tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch, kết nối các tuyến cao tốc trong vùng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường cảng TP.HCM, cho biết theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km. Trong đó, đường vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành, đường vành đai 3, vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đường vành đai 3 kết nối TP.HCM với nhiều tỉnh, thành như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... sẽ giải quyết rất lớn việc vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô, cải thiện lưu thông qua các nút đường xuyên tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng. Chưa kể sau này, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, các tuyến đường vành đai sẽ hình thành thêm một hướng kết nối, các phương tiện không cần đi vào đường nội đô để lên cao tốc, giúp giảm lượng lớn phương tiện cũng như thời gian lưu thông từ trung tâm thành phố đến sân bay. Bên cạnh đó, tuyến vành đai 3 hình thành sẽ kích thích phát triển đô thị hóa dọc tuyến, góp phần giãn dân, giảm áp lực giao thông cho TP.
“Tiến độ đường vành đai 3 đóng vai trò rất lớn đối với các dự án giao thông trọng điểm của khu vực đã có trong quy hoạch. Hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ cao hơn khi có sự kết nối giao thông từ đường vành đai 3; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đang được xúc tiến triển khai, điểm đầu chính là đường vành đai 3. Nếu không triển khai đồng bộ sẽ tạo ra bất cập trong việc kết nối hạ tầng, không phát huy được hiệu quả đầu tư của các tuyến cao tốc này”, ông Trường nhận định.
Cần cơ chế riêng huy động nguồn lực
Ngoài 2 dự án thành phần 1 đang được đẩy nhanh tiến độ, các đoạn còn lại của vành đai 3 gồm dự án thành phần 2 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch) đoạn Bình Chuẩn - QL22 và QL22 - Bến Lức có tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỉ đồng đang được đề xuất ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đại diện CIPM cho biết đây là dự án lớn, nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách nhà nước hoặc kêu gọi xã hội hóa toàn bộ đều không khả thi. Trước đó, nguyên nhân chính khiến dự án chậm trễ là do nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có cơ chế riêng để huy động các nguồn lực từ xã hội.
Tương tự, đường vành đai 4 của TP.HCM dự kiến khởi công vào quý 3/2020 nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh. Dự án có tổng chiều dài 197,6 km, được chia làm 5 đoạn nhưng mới chỉ có đoạn 5 (từ Bến Lức - Long An tới cuối tuyến trục bắc - nam TP.HCM) là được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư, còn lại 4 đoạn chưa có nguồn vốn nên chưa triển khai các bước tiếp theo. Tính cả đường vành đai 2 đang ì ạch hơn 1 thập kỷ chưa thể khép kín, hệ thống đường vành đai của TP.HCM chật vật, nguyên nhân chính đều do thiếu vốn. Thực trạng các tuyến đường vành đai quá ít so với nhu cầu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TP.HCM, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xã hội không chỉ của TP mà của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Ông Hà Ngọc Trường nhận định các tuyến đường vành đai 3 và 4 có tính chất liên vùng, tổng mức đầu tư cũng như chi phí giải phóng mặt bằng lớn. Do đó, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư là hết sức khó khăn, cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành, tỉnh, TP.
“Cần có cơ chế riêng để huy động các nguồn lực từ xã hội. Hiện nay, quỹ đất hai bên dự án này còn nhiều và giá trị còn thấp. Sau khi dự án hoàn thành, giá trị đất sẽ được nâng cao nên các nhà đầu tư bất động sản sẽ được hưởng lợi. Đây là cơ sở để TP kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện dự án, chỉ dựa vào ngân sách thì không thể làm nổi”, ông Trường đề xuất.
Bình luận (0)