Khi các nghị sĩ giải quyết bất đồng bằng nắm đấm

15/06/2024 18:18 GMT+7

Tại cơ quan lập pháp của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chuyện xô xát giữa các nghị sĩ xưa nay không phải là hiếm khi những cái đầu nóng hành động thiếu kiểm soát giữa các cuộc tranh luận căng thẳng.

Một vụ ẩu đả mới đây xảy ra tại phiên họp ở nghị viện Ý vào ngày 12.6 khiến một nghị sĩ được đưa đến bệnh viện bằng xe lăn.

Khi các nghị sĩ giải quyết bất đồng bằng nắm đấm- Ảnh 1.

Vụ ẩu đả tại nghị viện Ý ngày 12.6

Reuters

Nghị viện thành "võ đài"

Theo AFP, liên quan vụ việc trên, mâu thuẫn nảy sinh từ việc liên minh cầm quyền đề xuất dự luật trao thêm quyền tự trị cho một số vùng, khiến phe đối lập chỉ trích rằng việc đó phá hủy sự đoàn kết của đất nước và gia tăng chia rẽ vùng miền.

Ẩu đả xảy ra khi nghị sĩ Leonardo Donno của đảng đối lập Phong trào 5 sao (M5S) định quấn lá cờ Ý lên cổ Bộ trưởng Các vấn đề khu vực Roberto Calderoli đang phát biểu về dự luật. Những đồng nghiệp trong đảng Liên minh của ông Calderoli ngay lập tức tràn lên vây lấy ông Donno, người sau đó được đưa đến bệnh viện do bị đánh trúng đầu và ngực.

M5S gọi vụ xô xát là hành vi đáng hổ thẹn, yêu cầu có biện pháp xử lý những nghị sĩ "kích động", gồm ông Igor Iezzi của đảng Liên minh, người đã tung cú đấm về phía ông Donno. Phe cầm quyền cáo buộc ông Donno khơi mào vụ việc và giả mạo chuyện bị thương.

Vụ ẩu đả xuất hiện trên nhiều trang nhất của các tờ báo Ý, trong đó nhật báo hàng đầu Corriere della Sera miêu tả nghị viện đã biến thành "võ đài". Ngoại trưởng Antonio Tajani tuyên bố việc dùng nắm đấm sẽ không giải quyết các vấn đề chính trị và phê bình các nhà lập pháp, kêu gọi họ phải biết làm gương.

Khi các nghị sĩ giải quyết bất đồng bằng nắm đấm- Ảnh 2.

Vụ xô xát tại Viện Lập pháp Đài Loan ngày 17.5

Reuters

Hồi tháng 5, một vụ ẩu đả dữ dội hơn nhiều xảy ra tại Viện Lập pháp Đài Loan, khi một nhóm nhà lập pháp của đảng Dân Tiến (DPP) tìm cách cản trở phiên thảo luận về những dự luật cải cách hoạt động của cơ quan này.

Theo CNN, Quốc dân đảng và đảng Nhân dân Đài Loan muốn Viện Lập pháp có quyền giám sát lớn hơn đối với nhánh hành pháp trong khi DPP gọi đó là "hành động lạm quyền vi hiến". Cảnh xô đẩy, vật lộn, đấm đá diễn ra ở trong lẫn ngoài phòng họp. Một nhà lập pháp DPP bị đẩy xuống từ bục cao khiến bị thương ở đầu và được đưa khỏi tòa nhà bằng cáng. Vụ việc làm gợi nhớ đến vụ xô xát dữ dội hồi năm 2020, khi các nhà lập pháp Đài Loan mang lòng heo sống vào tòa nhà lập pháp để ném vào nhau trong một phiên chất vấn.

Hỗn chiến tại quốc hội Georgia

Tại Georgia, một dự luật gây tranh cãi đã gây ra nhiều cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố và dẫn đến những tranh cãi, thậm chí ẩu đả tại quốc hội nước này từ đầu năm nay.

Theo Đài Euronews, tranh cãi liên quan dự luật do đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia đề xuất, bắt buộc các hãng truyền thông và tổ chức phi thương mại nhận hơn 20% tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký là "đại diện nước ngoài" hoặc bị phạt. Phe đối lập chỉ trích dự luật gây kỳ thị đối với các tổ chức truyền thông và cho rằng nó cản trở con đường gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Georgia.

Những màn tranh cãi nảy lửa và "động tay, động chân" đã xảy ra tại quốc hội Georgia vào tháng 3. Đến hôm 15.4, vụ việc leo thang đỉnh điểm khi nghị sĩ đối lập Alexander Elisashvili lao lên đấm thẳng vào mặt nghị sĩ Mamuka Mdinaradze của đảng cầm quyền đang phát biểu về dự luật. Nhiều nghị sĩ khác cũng xông vào cuộc hỗn chiến, trong khi bên ngoài tòa nhà, nhiều người biểu tình phản đối dự luật hò reo ủng hộ ông Elisashvili. Dự luật sau cùng được Chủ tịch Quốc hội Shalva Papuashvili ký thông qua vào đầu tháng này bất chấp nhiều phản đối. Trong một tuyên bố, ông Papuashvili khẳng định luật mới giúp mang lại tính minh bạch trước sự ảnh hưởng của nước ngoài, tăng cường tính bền vững của hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của quốc gia vùng Đông Âu.

Nghị sĩ bị truy tố vì đấm vỡ mũi đồng nghiệp

Nghị sĩ độc lập Konstantinos Floros của Hy Lạp hồi tháng 4 bị truy tố tội tấn công thành viên quốc hội khi đánh gãy xương mũi và trật khớp hàm nghị sĩ Vassilis Grammenos của đảng Giải pháp Hy Lạp. Theo tờ Kathimerini, ông Floros đã tấn công ông Grammenos ngoài hành lang quốc hội khi các nghị sĩ đang thảo luận việc hủy bỏ quyền miễn trừ của ông Kyriakos Velopoulos, lãnh đạo đảng Giải pháp Hy Lạp và là người bị cha của ông Floros kiện vì hành vi bôi nhọ. Ông Floros đã nhận lỗi và được cho tại ngoại nhưng đối diện bản án tối đa 10 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.