Nhiều làng quê ở Malaysia trở nên vắng vẻ do thanh niên chuyển đến các thành phố lớn để học tập và tìm việc. Malaysia có dân số 31,7 triệu người, cứ mỗi bốn người thì có một sống ở đô thị, theo tờ The Straits Times (Singapore). Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ rời khỏi chốn thị thành xô bồ, quay về quê nhà khởi nghiệp.
tin liên quan
Chàng trai quản lý tiền tỉ bỏ Sài Gòn về làm 'đầu đàn' của 300 heo cỏAnh chàng vốn có kinh nghiệm 10 năm làm môi giới chứng khoán kiêm quản lý quỹ đầu tư lên đến hàng chục tỉ của nhiều khách hàng ở Sài Gòn, từng xuất hiện trên báo Thanh Niên ngày nào giờ dám rời bỏ phố thị trở thành nông dân thứ thiệt, không nghi ngờ gì nữa.
Về quê làm kinh tế
5 năm trước, Kam Gin Kang khi đó 24 tuổi đã bỏ công việc bán thiết bị điện tử ở thủ đô Kuala Lumpur, quay về nơi anh chào đời là làng Sauk ở bang Perak, cách thủ đô khoảng 250 km. Ngôi nhà gỗ của gia đình bị bỏ hoang hơn một thập niên và Kam nảy ra ý tưởng biến nó thành nhà khách. Nhờ sự hỗ trợ của người cha vốn là một thợ mộc đầy kinh nghiệm, nhà khách Kamo mang phong cách giản dị, thân thiện với thiên nhiên, bắt đầu hoạt động từ năm 2012.
Tại đây, du khách sẽ ngủ trên nệm dưới sàn nhà và dùng gáo múc nước lạnh tắm. Nhờ những mẩu quảng cáo trên mạng xã hội, nhiều người thích tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành đã tìm đến nhà khách này, kích thích du lịch sinh thái phát triển. Làng Sauk suốt một thập niên qua chỉ có 3 nhà hàng đơn sơ phục vụ người dân địa phương, nay tăng lên 8 với quy mô lớn hơn.
Theo The Straits Times, anh Kam (hiện 29 tuổi) là một trong số ít người trẻ Malaysia rời bỏ thành thị quay về nông thôn lập nghiệp. Nhưng họ đã và đang đóng góp cho sự phát triển của quê nhà với nhiều ý tưởng khởi nghiệp như du lịch nghỉ dưỡng tại nhà dân (homestay), mở khách sạn, quán cà phê và tổ chức lễ hội.
Vượt qua thách thức
Giới trẻ bỏ phố về quê khởi nghiệp có thể đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi các bạn trẻ phải nỗ lực hết mình, sáng tạo và kiên nhẫn nếu muốn khởi nghiệp trên chính mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, theo ghi nhận của The Straits Times.
“Nhiều người bạn tuyên bố sẽ làm giống như tôi”, Kam nói, nhưng rồi hầu như ít ai muốn từ bỏ chốn thị thành.
Những ai đi ngược xu hướng lên thành phố làm việc sẽ phải “làm lại từ đầu” và nỗ lực học hỏi. Kam chia sẻ anh phải tự học mọi thứ, từ nghề mộc đến xây nhà và thậm chí làm vườn. “Điều đó tùy thuộc đam mê của mỗi người, các bạn trẻ phải luôn sẵn sàng thử nghiệm và học hỏi những điều mới”, Saloma Gugug, một nữ doanh nhân trẻ về quê lập nghiệp, lưu ý.
Cách đây 5 năm, Saloma lúc đó 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học ngành truyền thông đã quyết định mở công ty du lịch tại làng Kampung Sadir (bang Sarawak). Thay vì phải chật vật xin việc làm, Saloma bắt đầu tổ chức các tour du lịch homestay đến ngôi làng của cô. Du khách nghỉ tại nhà của Saloma được trải nghiệm cuộc sống làng quê, thưởng thức và tự nấu các món đặc sản dưới sự hướng dẫn của dân làng.
Do ngày càng nhiều người đăng ký tour nên cô quyết định mở rộng căn nhà từ 3 lên 6 phòng ngủ, cùng khoảnh sân rộng. Ban đầu Saloma đối mặt với những lời gièm pha từ dân làng do họ thấy nhiều người nước ngoài lần lượt vào nhà của người phụ nữ trẻ độc thân. “Lúc đó họ không biết nhiều về du lịch và tự hỏi hoạt động gì đang diễn ra tại nhà tôi. Tôi từng nói với cha mẹ rằng tôi sẽ ngừng chuyện này nếu họ cảm thấy khó chịu”, Saloma chia sẻ.
tin liên quan
Tốt nghiệp đại học, 8X về quê ép trấu kiếm... tiền tỉTốt nghiệp ĐH, Nguyễn Phương Nam không đi tìm việc mà về quê làm giàu với nghề ép trấu thành củi.
Nhưng cha mẹ Saloma đã ủng hộ cô hết mình, và dần dần người dân trong làng hiểu rõ hơn nên sẵn lòng hợp tác làm hướng dẫn viên du lịch hay tài xế. Họ cũng bán được nhiều trái cây và hàng thủ công truyền thống cho du khách.
Bên cạnh đó, Saloma tiến hành chương trình tình nguyện vận động du khách quyên góp tiền xây dựng thư viện cộng đồng và dạy thêm cho trẻ em vào buổi tối.
Trưởng thôn đã hội ý người dân và quyết định thành lập ủy ban du lịch, bắt đầu bán vé giá 2,5 USD cho mỗi du khách vào tham quan các thác nước tại đây. Số tiền thu được dùng để trùng tu, xây dựng mới các công trình xã hội. Hoạt động du lịch tại ngôi làng này bắt đầu sinh sôi nảy nở nhờ công khai phá của Saloma.
Ngoài ra, những lễ hội văn hóa và triển lãm nghệ thuật do các bạn trẻ trở về quê tổ chức cũng góp phần thu hút nhiều du khách đến với ngôi làng đánh cá heo hút Pulau Ketam ở bang Selangor kể từ năm 2014. Họ biến hai bên vệ đường tại đây thành nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Từ đó, hàng loạt nhà hàng, quán cà phê và nhà nghỉ bắt đầu mọc lên. Quyết tâm lập nghiệp của những người trẻ như Kam và Saloma mang đến luồng gió mới cho các vùng nông thôn.
Bình luận (0)