Nội dung bài viết Người làm công ăn lương đóng thuế cao nhất mà Thanh Niên đăng tải phản ánh việc người làm công ăn lương đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo biểu thuế lũy tiến từ 5 - 35%, trong khi người kinh doanh những ngành nghề khác chỉ đóng thuế này với tỷ lệ 0,5 - 5%.
Một số chuyên gia được Thanh Niên lấy ý kiến cho rằng, theo ước tính 70% thu nhập của các gia đình là chi phí cho ăn uống hằng ngày, nên khi vật giá gia tăng là họ bị tác động ngay lập tức. Biểu thuế thu nhập đối với người làm công ăn lương tính theo lũy tiến từng phần nên cao hơn rất nhiều so với thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, cùng là thuế đánh trên thu nhập mà cá nhân chịu thuế cao hơn cả doanh nghiệp là quá vô lý. Tỷ lệ nộp thuế cao cũng một phần triệt tiêu động lực phấn đấu của người làm công ăn lương. Chính vì vậy, cần sớm điều chỉnh giảm thuế suất đối với cá nhân để đồng bộ so với thuế thu nhập doanh nghiệp.
THUẾ CHỈ NẮM KẺ "CÓ TÓC" ?
Theo bạn đọc (BĐ) Nguyen Xuan Vinh, bài báo phản ánh đúng bản chất của vấn đề. "Đối với người làm công ăn lương thì mọi khoản thu nhập đều được thể hiện qua bảng lương, nên cơ quan quản lý thuế dựa vào đó để thu. Trong khi những người kinh doanh thì phải chăng do không quản lý được nên thu thuế không phản ánh đúng với khoản thu nhập của họ?", BĐ nêu vấn đề.
BĐ Nguyen Sy Linh chia sẻ: "Đối với những người làm công ăn lương như chúng tôi, mọi khoản thu nhập đều dễ dàng được cơ quan quản lý thuế theo dõi, giám sát. Vì thế, khi áp mức thu nhập để đánh thuế, chúng tôi bị thu thuế TNCN "không trật phát nào". Trên quan điểm cho rằng, bất cứ nghề nghiệp nào chính đáng, đúng pháp luật, mang lại thu nhập cho người chịu khó lao động bằng mồ hôi, công sức, nước mắt của mình bỏ ra đều đáng được trân quý, nhưng cũng đòi hỏi sự công bằng, tôi chỉ đưa ra một ví dụ nhỏ: thu nhập của tôi vào khoảng trên 780 triệu đồng/năm, ngoài tôi còn có hai con nhỏ, gồm một trai, một gái được tính là "người phụ thuộc", thì tính tổng cộng mức thuế TNCN mà tôi phải đóng cũng đã gần 100 triệu đồng; trong khi đó, một người mà tôi quen biết bán hàng online, mức thu nhập trên 1,2 tỉ đồng/năm nhưng khi đề cập đến việc đóng thuế TNCN, họ "cười nhẹ", bởi gần như họ không phải đóng khoản thuế TNCN nào. Một mặt, tôi mừng cho họ vì họ làm ra tiền, nhưng một mặt, tôi cũng tự hỏi: "vậy công bằng ở đâu?". Ngày nay, gần như mọi hoạt động bán hàng đều thông qua internet nói chung, mạng xã hội (Facebook, TikTok, các sàn thương mại điện tử…) nói riêng. Cơ quan thuế làm gì để đảm bảo rằng mọi cá nhân có thu nhập ở mức phải đóng thuế TNCN theo luật định đều đóng thuế nhằm tạo ra sự công bằng cho mọi đối tượng trong xã hội?".
CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG ĂN LƯƠNG NGÀY CÀNG KHÓ KHĂN
Nhiều ý kiến của BĐ (đa phần đều cho rằng mình đang là người làm công ăn lương) đặt thẳng vấn đề: Khi nào thì cơ quan chức năng chỉnh sửa thuế TNCN quá lạc hậu như hiện nay để hỗ trợ những người làm công ăn lương?
Rất hoan nghênh Báo Thanh Niên luôn có những bài viết chất lượng như vậy. Tôi cũng là người làm công ăn lương, nên thấy sự bất hợp lý rất lâu rồi. Nhưng mọi việc cứ bình chân như vại từ cơ quan quản lý thuế.
Tai Huynh
Tiền thuê nhà, tiền học phí, tiền mua bảo hiểm nhân thọ, khám chữa bệnh… đều rất dễ lấy hóa đơn, tại sao không cho người lao động được giảm trừ? Tiền thuê nhà vừa bị tăng; học phí học ngoại ngữ của 2 con tôi vừa tăng; ba tôi vừa tốn hơn 10 triệu đồng tiền khám bệnh, hiện tại tiền thuốc hơn 800.000 đồng/tuần; tôi vừa đăng ký khóa học nâng cao kỹ năng nghề nghiệp 15 triệu đồng nhưng tôi không được khấu trừ thuế… Trong khi đó, mức giảm trừ cá nhân/người phụ thuộc hoàn toàn không đổi.
Dien Thi Tuyet Nhung
Căn cứ để các BĐ nêu vấn đề là: Cuộc sống của những người làm công ăn lương ngày càng khó khăn mà phải nộp thuế thuộc hàng cao nhất như Báo Thanh Niên phân tích ở trên thì quá không phù hợp. Bởi thực tế TNCN của người lao động tính trên tổng lương và các khoản ngoài thu nhập chịu thuế, nhưng trong khoản thu nhập đó, người lao động phải trả những khoản chi phí rất lớn như: chi phí tiêu dùng; nhà trọ; điện, nước; các khoản thu nhập; nợ vay, lãi vay… và các khoản chi phí khác. Thế mà người làm công ăn lương lại gánh chịu khoản thuế TNCN rất cao so với các hình thức kinh doanh mua bán và so với doanh nghiệp là điều bất hợp lý!...
Cũng có ý kiến như của BĐ Lê Cao Sơn rằng "cứ để nguyên thuế suất cũng được, nhưng chấp nhận trừ bất kỳ hóa đơn mua sắm: ăn nhà hàng, mua tủ lạnh, khám bệnh, học phí cho con...". "Với cách này ai ai cũng hăm hở lấy hóa đơn; người mua đòi hóa đơn, người bán phải xuất hóa đơn nên không thể giấu doanh thu. Kết quả xã hội ngày càng minh bạch, thuế không bị thất thu…", BĐ Lê Cao Sơn đúc kết.
Bình luận (0)