Khi nghệ thuật kể chuyện thiên nhiên

17/12/2020 06:44 GMT+7

Nhiều người xem triển lãm Công dân trái đất diễn ra tại tòa nhà Đại học Đông Dương (số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội) hồi cuối tháng 11 vừa qua đã rất xúc động.

Triển lãm thuộc dự án phản hồi văn hóa và nghệ thuật về biến đổi môi trường do không gian sáng tạo Six Space thực hiện, với sự hỗ trợ của Viện Goethe và Quỹ văn hóa Prince Claus (Hà Lan). Các nghệ sĩ tham gia: Nguyễn Linh Chi (với phần thiết kế âm thanh của Nhung Nguyễn), Lê Giang, Phạm Thu Hằng, Trần Thảo Miên và Nguyễn Đức Phương. Điều thú vị là dự án không gói gọn mình trong mỹ thuật mà đã trở thành dự án liên ngành. Ở đó, nghệ thuật thị giác, kiến trúc, sinh học, lịch sử văn hóa cùng liên kết để thu hút công chúng.
Bộ xương voi ma mút vẫn lừng lững trên cao của cầu thang tòa nhà Đại học Đông Dương xưa kia. Nhà điêu khắc Phạm Thái Bình (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) thốt lên: “Ôi còn có cả một bộ xương voi ma mút. Nhiều tiêu bản sinh học trong lọ cũng rất thú vị, hay bức tranh tường do Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - ông Victor Tardieu vẽ. Biết về những điều đó cũng đủ làm người ta yêu khoa học, yêu việc gìn giữ thiên nhiên và yêu lịch sử của đất nước mình”.
Không chỉ có bộ xương voi ma mút, nhiều thành tố của tòa nhà cũng khiến người xem triển lãm xúc động. Đặc biệt là khi chúng được nhìn theo một cách mới, rất nghệ thuật. Chẳng hạn, các nghệ sĩ đã làm một “hồ” bằng gương ngay sảnh trường. Ở đó, những tấm gương được đặt hướng lên trần. Người xem có thể ngắm những chi tiết ở trên cao soi vào trong đó. Họ cũng được nghe đồng thời đoạn nhạc được sáng tác riêng cho triển lãm Công dân trái đất rất dịu dàng. Có tác phẩm, công chúng cần dùng điện thoại để quét mã QR code để thưởng thức; hoặc bên cạnh những tiêu bản sinh học thật, người xem được ngắm những tác phẩm vẽ âm bản lá cây, thực vật của nghệ sĩ tạo hình. Qua đó công chúng có thể hình dung rõ hơn về một trái đất có rất nhiều điều cần khám phá: những tòa nhà xưa cũ, những bộ xương voi, những tiêu bản hoa lá và cả những hồ nước bằng gương biết kể chuyện.
“Có nhiều điều được đánh thức sau triển lãm. Khi thời gian làm các di tích mất đi, vẫn còn một nơi được giữ lại như chính nó cả trăm năm nay. Tôi chụp lại từ cầu thang đến kệ để dép của các giáo sư đại học xưa. Từ đó cũng nhìn thấy tiền nhân cả người Pháp và người Việt đã xây dựng lên nền khoa học tri thức này thế nào”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, các nghệ sĩ không chỉ sáng tác tác phẩm. Họ còn làm được điều rất khó là thuyết phục đơn vị quản lý tòa nhà (Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trường ĐH Dược Hà Nội) để người xem có thể vào ngắm tác phẩm trong đó, khám phá không gian ấy. “Rất nên tạo cơ hội mở những di sản lịch sử cho nghệ sĩ tiếp cận bằng hình thức đưa tác phẩm vào tương tác với không gian. Tất nhiên, họ không được làm hỏng không gian ấy. Khi công chúng đến xem thì chương trình đã thành công rồi”, ông Bình nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.