Tôi có căn nhà mặt tiền, cho thuê mỗi tháng 30 triệu đồng để họ mở cửa hàng bán thời trang. Tới nay họ thuê đã được 5 năm và cũng hết thời hạn hợp đồng thuê nhà.
Tôi không muốn cho thuê nữa, để lấy lại nhà cho con trai làm ăn. Tôi đã nhắc nhiều lần đề nghị người thuê nhà dọn đi, trả lại mặt bằng nhưng họ cứ hứa hẹn hoài mà không làm. Nay đã trễ quá 3 tháng rồi.
Nếu khởi kiện ra tòa thì lại mất thời gian quá, không biết đến bao giờ tôi mới có thể lấy lại nhà. Vậy tôi có thể mời thừa phát lại đến lập vi bằng, chứng kiến cảnh tôi cắt khóa vào nhà và di dời tài sản của họ đi nơi khác được không?
Bạn đọc Minh Tuyền.
Chuyên gia tư vấn
Ông Nguyễn Tiến Pháp, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn, tư vấn: Theo thông tin bạn cung cấp, căn cứ điều 131 luật Nhà ở, thì hợp đồng thuê nhà đã chấm dứt hiệu lực. Do đó, bạn đã có quyền yêu cầu bên thuê trả lại nhà cho bạn.
Ngoài ra, theo khoản 4 điều 482 bộ luật Dân sự, bạn cũng có quyền yêu cầu bên thuê trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và bồi thường thiệt hại. Bên thuê cũng phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng.
Khởi kiện tại tòa án là một trong các phương thức bảo vệ quyền dân sự bị xâm phạm. Căn cứ các điều 11, 12 và điều 164 bộ luật Dân sự, thì tự bảo vệ quyền cũng là một phương thức khác để bạn bảo vệ quyền sở hữu nhà ở của mình.
Nghĩa là hợp đồng cho thuê nhà đã hết hạn nên bạn có quyền vào tiếp nhận, chiếm hữu, sử dụng căn nhà cho thuê nhưng không được vi phạm pháp luật. Do đó, bạn cần thận trọng, có giới hạn khi thu hồi nhà cho thuê mà không thông qua con đường tố tụng.
Điều 36 Nghị định 08 năm 2020 của Chính phủ, thì "Vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật".
Theo ông Pháp, để bảo vệ quyền lợi của mình, hạn chế tối đa rủi ro tranh chấp và giảm thiểu thiệt hại, bạn có thể yêu cầu thừa phát lại đến lập vi bằng thông qua các bước sau đây:
- Bước 1: Thông báo yêu cầu trả nhà
Hình thức thông báo là bằng văn bản, nhằm thể hiện tuyên bố, ý định rõ ràng của bạn là không chấp nhận gia hạn hợp đồng thuê và đề nghị bên thuê trả nhà. Đây là cơ sở để bạn thực hiện các bước thu hồi nhà, yêu cầu trả tiền thuê cho thời gian quá hạn, bồi thường thiệt hại, phạt hợp đồng (nếu có), khởi kiện tại tòa án. Để thể hiện thiện chí, bạn nên cho bên thuê một thời gian hợp lý để họ di dời tài sản và trả nhà.
Bạn nên yêu cầu thừa phát lại đi cùng, chứng kiến việc giao thông báo này để xác lập chứng cứ. Ngoài ra, để đảm bảo việc tiếp nhận, thu hồi nhà của bạn là công khai, minh bạch và tránh ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn, thì bạn nên có văn bản gửi UBND và cơ quan công an cấp xã, phường nơi có nhà cho thuê để họ nắm sự việc, hỗ trợ khi cần thiết.
- Bước 2: Đến tiếp nhận nhà
Đúng thời gian đã thông báo, bạn đến tiếp nhận lại nhà cho thuê. Nếu họ tự nguyện bàn giao nhà thì các bên lập biên bản. Để tránh trường hợp bên thuê nói bị mất tài sản, biên bản phải thể hiện bên thuê xác nhận đã hoàn tất di dời tài sản của họ. Hoặc nếu bên thuê còn gửi tài sản thì phải liệt kê vào trong biên bản và bạn thông báo thời gian họ nhận lại.
Khi hết thời gian, nếu họ không đến nhận thì bạn có thể tạm di dời tài sản của họ đến một địa điểm khác để bảo quản. Nếu thấy nhà bị hư hỏng thì cần thỏa thuận, yêu cầu ngay việc sửa chữa, bồi thường. Tất cả những việc làm trên của bạn nên có sự chứng kiến của thừa phát lại.
"Để tránh bị xử lý hành chính, hình sự về hành vi cố ý hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì bạn không nên tự ý cắt ổ khóa nhà. Bởi đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên thừa phát lại sẽ từ chối yêu cầu lập vi bằng với yêu cầu này của bạn", ông Pháp nhấn mạnh.
Bình luận (0)