Khi phần 'con' lấn át phần 'người'

Huyền Mai
Huyền Mai
22/06/2020 05:30 GMT+7

Tại nhiều phiên tòa, tôi chứng kiến nhiều bị cáo vào tù, ra tội bởi những lý do nhỏ nhặt; nhiều gia đình tan vỡ chỉ vì sự tức giận không kiềm chế của người thân.

Mới đây, ngày 18.6 tôi dự phiên tòa bị cáo Phạm Ngọc Sơn (36 tuổi, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) bị tuyên phạt 20 năm tù về tội “giết người”, cũng chỉ vì mâu thuẫn trong việc xưng hô “mày”, “tao”. Trước đó, do đâm chết người khi bị chửi là “thằng Bắc kỳ con”, ba người còn rất trẻ bị tuyên phạt từ 18 - 20 năm tù. Thậm chí, việc tự ý bắt con gà nhà xóm đi đá cũng có thể xảy ra án mạng.
Đọc lại những bài ký sự pháp đình của mình đã được đăng tải, “chỉ vì” là từ tôi thường dùng khi nêu nguyên nhân xảy ra vụ án. Bởi, những mâu thuẫn trong các vụ giết người hầu hết là những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống - mà lẽ ra, sẽ không có chuyện gì nếu người ta bình tĩnh nói chuyện với nhau. “Chỉ vì tức giận”, “chỉ vì không kiềm chế”, “chỉ vì có hơi men”... cũng là những lời ân hận của nhiều “kẻ giết người” tại các phiên tòa. Có những người bạn chơi với nhau rất thân, có những người hàng xóm chia nhau từng miếng “mồi nhậu”, vậy mà kết cục người chết, kẻ vào tù cũng “chỉ vì…”.
Mâu thuẫn nhỏ nhưng hậu quả lớn, nhiều đứa con mất cha, nhiều bà mẹ mất con sau án mạng. Dù nguyên nhân có nhỏ nhặt đến đâu, dù các bị cáo ân hận thế nào, pháp luật sẽ chẳng thể bỏ qua hành động cướp đi một mạng người. Một phiên tòa tôi từng tham dự, khi tòa tuyên bị cáo án chung thân, có hai người mẹ đã rơi nước mắt: một của bị cáo, một của bị hại. “Hai đứa nó thương nhau lắm, không hiểu ma xui quỷ khiến gì mà thằng N...”, người mẹ bị hại đã nói như vậy về bị cáo, cũng là thằng bạn rất thân của con mình.
Trong mỗi người luôn có phần “con”, nó sẽ trỗi dậy những lúc bản thân mất kiểm soát. Trước khi để phần “con” lấn át phần “người”, đừng quên suy nghĩ đến hậu quả sẽ xảy ra, để không như những bị cáo trên, khi ra tòa rồi mới ân hận, “giá như”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.