Khi rô bốt làm... nghệ thuật
29/06/2019 06:24 GMT+7
Con người vẫn luôn chào đón rô bốt và công nghệ mang đến thay đổi trong đời sống hằng ngày, cho đến khi họ cảm thấy sự siêu việt của nòi giống thượng đỉnh bị thách thức.
Tự động phát
Gần đây, con người có vẻ như đã quen với sự hiện diện của trí thông minh nhân tạo (AI) trong nhiều khía cạnh của đời sống. AI xuất hiện trong các điện thoại thông minh, máy hút bụi hoặc ô tô, và bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy ở những khâu lắp ráp cần độ chính xác cao mà không cần đến con người. Trong khi nghệ thuật sáng tạo từ lâu luôn được xem là lĩnh vực độc quyền của nhân loại, những thay đổi mới đã thách thức quan niệm này của nhiều người.
Vào cuối năm 2018, nhà Christie's đã bán đấu giá bức tranh đầu tiên được vẽ từ một thuật toán. Được đặt tên Edmond de Belamy, ban đầu “tác phẩm” này được định giá chỉ vài ngàn USD, nhưng cuối cùng nó được chuyển giao với giá 432.500 USD (hơn 10 tỉ đồng) tại phiên đấu giá ở TP.New York của Mỹ. Việc AI tấn công vào mảng nghệ thuật sáng tạo đã làm dấy lên những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm sử dụng công nghệ, liệu đã đến lúc định nghĩa lại nghệ thuật và phải chăng những tổ hợp của thuật toán nhân tạo có thể làm nên tác phẩm thực sự?
Đó là những câu hỏi được nêu lên tại buổi hội thảo chuyên đề “Nghệ thuật đang ở bờ vực lao đao: Liệu AI thực sự có năng lực sáng tạo?”. Đây là một trong những sự kiện của Diễn đàn truyền thông toàn cầu (GMF) năm 2019, vừa được tổ chức tại TP.Bonn, Đức. Nói một cách chính xác, những người tham gia diễn đàn muốn làm rõ câu chuyện liên quan đến cơ hội và nguy cơ đến từ sự trỗi dậy của công nghệ và AI.
Một trong các tham luận viên, triết gia người Đức Markus Gabriel nhanh chóng lên tiếng báo động, ông cho rằng ai nấy đã phạm “sai lầm” khi gọi một bức họa xuất phát từ rô bốt là “nghệ thuật”. Triết gia Gabriel, tác giả của quyển Der Sinn des Denkens (Ý nghĩa của tư duy) - xuất bản vào năm 2018, định nghĩa “các tác phẩm nghệ thuật là kết quả của “các cá nhân có ý thức”, và tinh túy của nghệ thuật nằm ở chỗ không thể bị lập lại, mà thay vào đó là “sự độc nhất vô nhị”.
Tác giả Holger Volland, Phó chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt, tán đồng với ý kiến trên, cho rằng những gì xuất phát từ rô bốt chẳng qua là sự bắt chước lại nghệ thuật và sự sáng tạo. Những cỗ máy được lập trình thiếu hẳn ý sáng tạo ngay từ đầu, mà phải phụ thuộc vào mệnh lệnh của con người, theo ông Volland.
Ngược lại, nghệ sĩ Ấn Độ Raghava KK đã có ý kiến khác sau quá trình ứng dụng AI trong công việc. Ông cho rằng những người nói AI không thể tạo ra nghệ thuật thực thụ là vì họ mang quan điểm duy vật đối với sự sáng tạo. Đối với ông, nghệ thuật là trải nghiệm vượt ra ngoài mọi biên giới của vật chất. Tuy nhiên, triết gia Gabriel cảnh báo AI giống như một dạng thuốc mới, cần phải được quy định nghiêm ngặt trong quá trình sử dụng. Đó là “một cuộc cách mạng kỹ thuật số” tiếp theo và hoàn toàn cần được dẫn dắt bởi những tiêu chuẩn đạo đức của con người.
Bình luận (0)