Khi thanh âm lắng xuống

19/01/2020 06:53 GMT+7

Hà Nội đang trong những ngày bận rộn cuối cùng, ồn ã cuối cùng của năm để chờ những ngày Tết âm lịch thanh tĩnh.

Tìm nét xưa

Ông Ngô Trọng Thanh (làng Hoàng Mai, Q.Hai Bà Trưng) chậm rãi đi ra chùa làng. Chùa đã khác quá nhiều kể từ ngày bom B-52 ném xuống Hà Nội. Hồi đó, đất đá tứ tung và có cả một bức tượng nhỏ văng tới khu vực này. Bây giờ, chùa làng Hoàng Mai rộng và được xây thêm nhiều gian. Người ở khu khác, tận chợ Đồng Xuân cũng về đây lễ trong suốt năm. Nhưng đến sát tết, người làng đến là chính.
Tay máy đoạt giải báo chí châu Á Nguyễn Việt Thanh gần như “treo máy” trong những ngày chờ đợi này. “Hà Nội những ngày này quá đông, quá nhiều người, quá ồn ào. Nó không phải Hà Nội mà tôi muốn chụp. Nhưng chỉ cần đến 29 tết là lắng dần. Và tới mùng 1 tết thì lúc đó Hà Nội là Hà Nội nhất. Nó giống một ngôi làng nhất”, ông Thanh nói.
Giống một ngôi làng, theo đúng ý ông Thanh, có nghĩa là số lượng người không quá đông và mọi người dường như đều biết nhau, đều cảm mến nhau cả. Cảnh trí do ít người nên cũng bớt âm thanh. Và khi âm thanh lắng xuống như thế, cảm giác về nhịp điệu của từng cử động, từng gốc cây, ngọn gió cũng dễ dàng được nhận thấy hơn.
Trong khi đó, tết làng với ông Nguyễn Đức Bình, người sáng lập nhóm Đình làng Việt, lại là tết của những nếp xưa cũ ùa về. Năm nay, ông Bình cùng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tái hiện tết Việt tại phố cổ Hà Nội, trong những ngôi nhà cổ do ban này quản lý. Nhóm của ông, cả nam cả nữ cùng nhau mặc áo dài theo lối xưa. Những tấm áo này họ đều may ở nghệ nhân từ làng Trạch Xá, một làng nghề áo dài áo ông lâu đời của Hà Nội. Tới đây, nếu có thể làm hồ sơ di sản phi vật thể cho nghề may áo dài, chắc chắn làng sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng. “Chúng tôi muốn mọi người mặc áo dài truyền thống nhiều hơn”, ông Bình nói.
Cùng với áo dài, những hoạt động như gói bánh chưng, cùng hát chèo, hát ca trù với các nghệ nhân cũng được nhóm ông Bình tổ chức. “Điều thú vị nhất là dần dần chúng tôi có những người tuy không phải người biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng cũng học và dần dần đàn hát rất hay. Những người xung quanh họ cũng hiểu và cảm nhận nghệ thuật truyền thống thường xuyên hơn”, ông Bình chia sẻ.

Hồi ức tết

Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý cho rằng nhiều người cao tuổi đã trải qua tới 4 thời kỳ tết ở Hà Nội. Tết bao cấp, tết bắt đầu Đổi mới, tết bắt đầu toàn cầu hóa và tết như hiện nay. “Bốn thời kỳ tết đó quá khác nhau nên khó mà có một không khí tết nào giống hệt được cả bốn. Tuy nhiên, mỗi người thường sẽ nhớ nhất không khí tết vào đúng thời kỳ mình còn trẻ trung, còn sung sức nhất, yêu đời nhất. Họ sẽ có xu hướng cho rằng không khí tết lúc yêu đời nhất là thích nhất”, ông Quý nói.
Nhưng điều ông thấy rõ nhất là sự biểu đạt tết giờ đã đa dạng hơn xưa. “Ngày xưa, tất cả mọi người đồng phục một kiểu chơi tết, một kiểu ăn tết. Nếu giở lại những album gia đình xưa sẽ thấy đi ra đến nhà nào cũng ăn mặc một mốt như thế. Nhưng bây giờ thì mọi người có nhiều kiểu hơn”, ông Quý nói và cười.
Chính vì vậy, người Hà Nội cũng đã chuẩn bị nhiều điểm chơi tết đậm phong vị Hà Nội ở nhiều thời kỳ để đón khách. Chẳng hạn, người trẻ yêu mỹ thuật âm nhạc có thể đến không gian xuyên tết là quán +84 tại Ngô Văn Sở. Ở đó, các nghệ sĩ bày tranh tết, gốm tết. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, một điểm đến luôn được trang du lịch Trip Advisor đánh giá cao, đã có một chương trình tết với cây nêu truyền thống, rất nhiều hoa và những bộ sưu tập áo dài. Không gian hoa do Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hùng thực hiện. Có tới 3 bộ sưu tập áo dài tại bảo tàng trong suốt dịp tết. Bộ sưu tập áo dài bằng hoa, bằng rêu, cỏ cây của ông Hùng. Bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Lan Hương. Và đặc biệt, bộ sưu tập của chính bảo tàng cũng được “mở kho”. “Đây đều là những chiếc áo dài của những thiếu nữ Hà thành xưa. Khách thăm sẽ được ngắm những phom dáng áo dài từ rất lâu để hiểu về trang phục nữ của một thời. Chất liệu áo rất đẹp, cũng được gìn giữ qua hàng chục năm. Đó là những hiện vật vô giá”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.