Trí thức Trung Hoa thế kỷ 16 viết về Việt Nam

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
04/06/2022 06:49 GMT+7

Vẫn còn những định kiến, nhưng tác giả Việt kiệu thư đã có những mô tả tỉ mỉ chi tiết về Việt Nam.

Tư liệu sử để gột nên lịch sử

GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã chia sẻ rất nhiều về vai trò của tư liệu sử trong nghiên cứu lịch sử, tại buổi tọa đàm Lịch sử tư liệu: Việt Nam trong mắt trí thức Trung Hoa thế kỷ 16 do Trường ĐH KHXH - NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp Mai Hà Book tổ chức ngày 3.6. “Sử học là khoa học nghiên cứu các sử liệu nên không có sử liệu thì như các cụ nói không có bột không gột nên hồ được. Nếu không có sử liệu thì phương pháp siêu đẳng cũng không để làm gì”, GS Ngọc nói.

Cũng theo GS Ngọc, có nhiều nguồn sử liệu khác nhau như thư tịch, truyền thuyết dân gian, một câu chuyện giải thích về hình sông thế đất, một làng nào đó, khảo cổ học… Để nghiên cứu Việt Nam cổ trung đại, trong tất cả thì tư liệu chữ Hán là tư liệu quan trọng nhất. Các ví dụ GS Ngọc kể đến là Việt sử lược (bộ sử đầu tiên của người Việt) và Đại Việt sử ký toàn thư…

Bộ sách Việt kiệu thư của Mai Hà Book

Theo GS Ngọc, những bộ sử của Việt Nam xuất hiện muộn. Trong khi đó, chính sử của Trung Quốc xuất hiện sớm. Trí thức Trung Quốc cũng có truyền thống viết sử lâu đời. “Có những tư liệu lịch sử dù họ chỉ viết mấy dòng thôi, nhưng là vô giá với chúng ta. Ví dụ như những đoạn viết về nước Văn Lang, nước Âu Lạc, mở ra hướng nghiên cứu nhà nước. Sau này, chúng ta trên cơ sở nghiên cứu sử liệu đó, mở rộng nghiên cứu nguồn dân gian, khảo cổ… thì mới chứng minh, dựng lại được thời Hùng Vương dựng nước”, GS Ngọc phân tích.

Vấn đề của những ghi chép về Việt Nam trong sử Trung Quốc, theo GS Ngọc, nằm ở chỗ họ ghi theo lăng kính của họ. “Cho nên, có những cái xa với sự thật. Sự thật bị lệch đi. Những cái đó ta phải so sánh đối chiếu, nghiên cứu liên ngành bài bản mới có thể nhận ra chân giá trị của nó”, GS Ngọc nói.

GS Ngọc đánh giá về các ghi chép lịch sử thế kỷ 16 mà trí thức Trung Quốc viết về Việt Nam: “Thế kỷ 16 là lúc nhà Lê suy tàn, sau đó nhà Mạc lên thay. Quan hệ bang giao với nhà Minh của nhà Mạc, sau này là Lê Trịnh, có nhiều vấn đề. Nhưng đúng lúc đó lại xuất hiện bộ sách Việt kiệu thư. Tôi cho đó là bộ sách giá trị nhất về Việt Nam dưới lăng kính các học giả Trung Quốc”.

Nhiều bài thơ cho thấy tình cảm của trí thức Trung Quốc khi sang Việt Nam

Mai Hà Book cung cấp

Sự thú vị của tư liệu

Như vậy, có thể thấy, hình dung của trí thức Trung Quốc về Việt Nam thế kỷ 16 được thể hiện qua Việt kiệu thư. Bộ sách này cũng vừa được các nhà khoa học của Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) dịch và chú giải. Đó là thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc, PGS-TS Đặng Hồng Sơn và TS Vũ Đường Luân. Công trình cũng dựa phần nào trên tư liệu dịch thuật trước đây của các nhà nghiên cứu đi trước của Khoa Lịch sử.

Đặc biệt, bản dịch Việt kiệu thư này có tới gần 3.500 chú thích. “Việt kiệu thư của tác giả Lý Văn Phượng là bộ tư liệu rất đồ sộ có An Nam chí lược là nguồn tài liệu tham khảo chính. Việt kiệu thư không phải là sách in mà đều là các bản sao. Vì thế, có những bản chép sai, chỗ chép sai. Có những chi tiết lại không giống với những bộ sử của Việt Nam. Chúng tôi cũng phải có những chú thích về các chi tiết, có khoảng 3.473 chú thích”, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc nói.

PGS-TS Đặng Hồng Sơn lại nhấn mạnh đến sự thú vị của những văn bản, kế sách, biểu hiến kế của quan lại triều Minh khi nhà Mạc thành lập. Trong Việt kiệu thư, có thể đọc một loạt biểu, hiến kế của quan lại triều Minh như thế. “Nhiều biểu tấu bàn nên đánh hay không, nên đối xử với An Nam như thế nào. Có những suy nghĩ khác nhau, quan điểm khác nhau. Tôi nhớ có biểu nói tại sao không nên đánh An Nam, vì đánh rất dễ nhưng quan trọng là bình định được nó”, PGS Sơn phân tích.

Cũng theo PGS Sơn, biểu cũng nói về việc người An Nam có thể rút vào rừng núi. Quan trọng hơn, nếu quân Minh không tiếp được lương thực thì không giữ được lâu dài. “Việt kiệu thư ra đời thời điểm đó vừa là dạng địa phương chí về một vùng đất, đồng thời tập hợp tư liệu phục vụ cho các hoạt động quân sự nam Trung Hoa thời bấy giờ”, PGS Sơn nói.

TS Vũ Đường Luân lại nhắc đến những văn bản ngoại giao ở cấp độ địa phương trong Việt kiệu thư. Theo đó, ở Tuyên Quang có một nhân vật nổi tiếng dòng họ Vũ. Đại Việt sử ký toàn thư nhắc đến nhân vật này khá đơn giản. Nhưng Lý Văn Phượng với nguồn sử liệu từ Minh thực lục và nhiều văn bản ngoại giao cấp độ địa phương đã cho thấy nhân vật Vũ Văn Uyên này như đại diện chính quyền nhà Lê ở Tuyên Quang. Những thông tin này cho thấy thế lực tương quan trong chiến tranh Lê Mạc.

Thêm vào đó, Lý Văn Phượng qua Việt kiệu thư cũng có cái nhìn tổng quan về các thủ lĩnh địa phương. “Có thể thấy nhiều hoạt động tranh chấp biên giới gắn với hoạt động thủ lĩnh địa phương. Nó phản ánh hoạt động biên giới Việt - Trung thế kỷ 16 sinh động hơn ở những bộ sử chính thống Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư…”, TS Luân nói.

Cũng theo TS Luân, có một phần trong Việt kiệu thư là thơ văn của các sứ thần sang An Nam. Khi đọc, có thể thấy họ nhìn nhận An Nam là vùng đất tươi sáng, văn hiến, có những người giàu văn hóa có thể đối đáp với họ. Như thế, các tương tác quan hệ trong Việt kiệu thư không chỉ dừng lại triều cống, chính trị mà còn có những tương tác khác rất con người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.